Thứ Hai, 02/12/2013, 07:09 (GMT+7)
.

"Sóng gió" làng bè

Chúng tôi trở lại làng nuôi cá bè xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) vào đầu tháng 11. Không giống bao lần khác, anh bạn nuôi cá bè lâu năm ở đây tâm tư rằng: “Từ năm rồi đến năm nay khó khăn quá. Cứ một đợt thắng, hai đợt thua. Thấy số bè cá nằm san sát nhau chứ tỷ lệ bỏ trống còn nhiều lắm, do thua lỗ thời gian qua!”. Nghe mà chạnh lòng cho một làng nghề nuôi thủy sản có thâm niên nhiều năm.

Thu hoạch cá bè ở Thới Sơn.
Thu hoạch cá bè ở Thới Sơn.

Nghề nuôi cá bè trên sông Tiền manh nha lần đầu tiên vào những năm 1990. Lúc này những người từ An Giang, Đồng Tháp đến Mỹ Tho bán cá bằng ghe đục thấy tiềm năng sông Tiền có thể nuôi cá bè nên nảy sinh ý định nuôi. Thế là có vài bè làm bằng xi măng được chuyển từ An Giang về neo đậu ở bờ Bắc sông Tiền thuộc phường Tân Long ngày nay.

Nhân công nuôi cá bè phần lớn cũng đến từ đây và truyền nghề dần cho người dân địa phương. Hiệu quả kinh tế của những bè cá ban đầu là tiền đề để Công ty Thủy sản trước đây đầu tư mạnh vào việc nuôi cá bè ở cù lao Tân Long.

Đó cũng là lúc bè cá làm bằng xi măng được thay dần bằng sắt và composite, với số lượng hàng chục cái có kích cỡ lớn, với quy mô nuôi hàng chục tấn cá/mỗi bè ra đời. Có lẽ từ đó, phong trào nuôi cá bè được dịp phát triển nhanh chóng.

Vậy là đến nay, nghề nuôi cá bè trên sông Tiền đã gần 20 năm, với những bước thăng trầm, sóng gió cũng tựa như những con nước lớn ròng, lúc lên lúc xuống theo thủy triều của dòng sông Tiền.

Những bè cá lúc ban đầu chỉ nuôi những loại cá truyền thống của vùng An Giang, Đồng Tháp là cá hú và cá ba sa vì con giống cũng được chuyển về từ đây, phần lớn được bắt tự nhiên từ vùng đầu nguồn. Dần dần, nguồn giống khan hiếm và hiệu quả kinh tế không cao do những loại cá nuôi này chỉ ăn thức ăn tươi, nên người nuôi tìm loại cá mới. Cá điêu hồng được thay thế một cách hiệu quả và được duy trì cho đến ngày nay.

Phong trào nuôi cá bè trên sông Tiền trở nên sôi nổi hơn nhờ vào hiệu quả kinh tế mà những hộ nuôi đầu tiên đạt được. Vì thế, có một thời số lượng bè nuôi cá tăng lên nhanh chóng, đó là vào khoảng giữa những năm 2000. Từ chỗ chỉ có vài chục bè đã tăng lên khoảng 1.400 bè.

Không chỉ tập trung ở cù lao Tân Long, bè cá dần được lan rộng đến xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy). Dần về sau, môi trường nuôi ở cù lao Tân Long không còn tốt, do nước thải từ khu công nghiệp, nước thải từ tàu bè làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cá, nên Thới Sơn là điểm đến lý tưởng để nuôi cá bè.

Có một thời đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền. Nhiều người đã cầm cố tài sản, vay vốn ngân hàng để đầu tư vào bè cá. Những chiếc lồng sắt cứ dần dần được đóng mới. Một làng bè trên sông Tiền đã trở thành biểu tượng của ngành Nông nghiệp. Nhưng tiếc rằng thời vàng son của nghề nuôi cá bè đã đi qua một cách nhanh chóng. Những năm gần đây, do nhiều yếu tố khác nhau, người nuôi cá bè liên tục gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài nên số lượng bè nuôi cá đang có xu hướng giảm, mật độ thả cá giống cũng đang thưa dần.

Đặc biệt là vào năm 2012, nghề nuôi cá bè chịu những “đòn” đau nhất, hầu hết bè đều bị lỗ vốn. Nguyên nhân chính vẫn là giá bán luôn thấp hơn giá thành nuôi. Có không ít hộ nuôi chịu những khoản nợ rất lớn, đôi khi bán cả tài sản để trả nợ.

Sau Tết Nguyên đán 2013, giá cá bè có khả quan hơn, nhưng gần đây lại có xu hướng lặp lại tình hình của năm 2012. Người nuôi tiếp tục gặp khó khăn. Và chắc chắn rằng, với tình hình hiện nay, số lượng bè cá bỏ trống sẽ tăng lên nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Thanh, người nuôi cá bè có thâm niên ở phường Tân Long tâm tư rằng, hiện tại rất nhiều hộ nuôi cá bè không dám thả giống tiếp do hiệu quả không cao.

Có người nói rằng, khó khăn của nghề nuôi cá bè là do chỉ chủ yếu tập trung vào một đối tượng nuôi, dẫn đến sản lượng dư thừa, trong khi chỉ được tiêu thụ trong nước nên dễ mất giá. Điều này cũng không sai. Nhưng những người am hiểu về nghề nuôi cá bè cũng dễ dàng nhìn thực tế là, người nuôi cá bè trên sông Tiền cũng đã nhiều lần thay đổi đối tượng nuôi, chuyển đổi từ cá điêu hồng sang cá lóc, cá chim trắng, rồi đến cá rô phi Đài Loan nhằm tìm đường xuất khẩu nhưng cũng rất khó tìm đầu ra. Gần đây, người nuôi lại chuyển dần sang nuôi cá nàng hai, cá chép nhưng cũng chưa biết kết quả thế nào.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp nhận định rằng, nghề nuôi cá bè chỉ duy trì ở mức hiện nay, rất khó phát triển thêm do sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước. Còn theo chúng tôi, câu chuyện của người nuôi cá bè nhìn chung cũng giống như những người làm nông nghiệp khác. Họ cứ loay hoay với cảnh “một được, hai mất”, rất khó khăn tìm hướng đi đúng. Và có lẽ “sóng gió” ở làng bè vẫn cứ tiếp diễn…

PHƯƠNG ANH

.
.
.