Tháo "nút thắt" trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Kết quả các đề tài, công trình nghiên cứu từ các viện, trường, đến ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống là cả một quá trình, mà cầu nối là các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Song, việc làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các trung tâm để phục vụ cho yêu cầu cuộc sống, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh, thành còn rất hạn chế, cần sự hỗ trợ, tháo gỡ của các cấp, các ngành.
Vai trò cầu nối còn mờ nhạt
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (CN), trong giai đoạn năm 2012-2013, có 77 đề tài, 149 dự án của 60/63 trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) đã và đang thực hiện, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, CN sinh học, CN thực phẩm, CN thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, sở hữu trí tuệ, chăn nuôi, trồng trọt, điều khiển tự động, y dược…
Có 30 trung tâm thực hiện hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ, với 1.850 hợp đồng được thực hiện, trong đó có 1.828 hợp đồng tư vấn - dịch vụ và 23 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Còn tổng hợp từ báo cáo của 28/63 trung tâm, các trung tâm đã làm chủ được 121 công nghệ, tăng 42 công nghệ.
Thời gian tới, có 22 trung tâm có nhu cầu công nghệ, với 86 công nghệ, chủ yếu ở một số lĩnh vực công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, môi trường, tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp, vật liệu, y dược, xây dựng…
Cung ứng phôi và chuyển giao kỹ thuật sản xuất meo giống, phôi nuôi trồng và kỹ thuật nuôi trồng cho người dân là một trong những lĩnh vực mà các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN có lợi thế (ảnh chụp: Mô hình trồng nấm ở Tiền Giang). |
Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của các trung tâm ứng dụng CN trong điều kiện hoạt động đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lúng túng trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo hướng mô hình tự trang trải của các đơn vị KHCN công lập theo Nghị định 115 và Nghị định 96 của Chính phủ.
Thống kê đến nay, có 33 trung tâm đã có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi và 30 trung tâm đang xây dựng đề án chuyển đổi. Thực tế cho thấy, các trung tâm đã chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn, còn những đơn vị đang trong quá trình chuyển đổi hay chuẩn bị chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tỏ ra băn khoăn, lúng túng. Từ đó, vai trò cầu nối công nghệ của các trung tâm trong phục vụ yêu cầu phát triển của các địa phương khá mờ nhạt.
Lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Lạng Sơn cho rằng, vai trò cầu nối, liên kết với các tổ chức, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất của trung tâm vẫn chưa thể hiện rõ. Thực tế cho thấy, thời gian qua, những CN phục vụ trong nông nghiệp không thiếu, nhưng ứng dụng để phục vụ vào sản xuất không nhiều.
Điều này cho thấy, vai trò của các trung tâm chưa nổi bật, chưa thể hiện hết chức năng, nhiệm vụ. Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra nghịch lý: Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế về biển nhưng các CN ứng dụng khai thác lợi thế này còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tháo “nút thắt”
KHCN là nền tảng và động lực cho sự phát triển, trong đó các trung tâm ứng dụng, chuyển giao CN là cầu nối đưa các CN vào phục vụ cuộc sống. Song, vai trò này chưa thể hiện được là do năng lực, tính nhạy bén, cơ sở vật chất, cùng khả năng tiếp cận, làm chủ và thương mại hóa công nghệ còn hạn chế.
Theo các chuyên gia và lãnh đạo sở KHCN các địa phương, việc chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN là con đường phải đến; bởi chúng ta đang hướng đến thành lập các doanh nghiệp KHCN.
Tuy nhiên, cũng cần phải xác định một điều, dù hoạt động theo cơ chế nào, các trung tâm này cũng không tách rời khỏi sở KHCN và các sở cần phải quan tâm, hỗ trợ. “Lĩnh vực nào hoạt động tạo ra tiền, sở chỉ hỗ trợ; lĩnh vực nào không tạo ra tiền, ngân sách Nhà nước phải chi. Còn về phía trung tâm, các đề tài, dự án khi triển khai phải có “bóng dáng” của khoa học, nghĩa là phải có cái mới.
Khi các đề tài KHCN đưa vào ứng dụng, chuyển giao hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng” - lãnh đạo Sở KHCN Hà Tỉnh nhấn mạnh. Theo lãnh đạo Sở KHCN của tỉnh này, cái khó của các trung tâm khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ là con người, muốn giải quyết vấn đề này cần phải tăng cường đào tạo và đào tạo lại.
Trước mắt, các ngành, các cấp cần tăng cường hỗ trợ cho các trung tâm, cấp đủ kinh phí để các trung tâm hoạt động; tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất để trung tâm đủ khả năng chuyển đổi sang cơ chế mới trong vài năm tới.
Mặt khác, cơ chế tài chính cũng là “nút thắt” trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN. Tháo gỡ khó khăn trên, ông Nguyễn Quân, Bộ Trưởng Bộ KHCN cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực KHCN như đổi mới đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính.
Cụ thể là đổi mới phương thức xây dựng kế hoạch theo hướng phân bổ kinh phí cho KHCN theo đề xuất của ngành, áp dụng cơ chế quỹ phát triển KHCN (đề xuất đến đâu, cấp kinh phí đến đó), cơ chế khoán chi cho các đề tài, dự án KHCN (khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, khoán chi một phần đối với đề tài, dự án chưa rõ sản phẩm cuối cùng).
Theo ông Nguyễn Quân, khó khăn của các trung tâm ứng dụng chuyển giao KHCN chủ yếu là ở tư duy của con người. Bởi quy định đã nói rất rõ, nếu các trung tâm thấy không khả năng bước ra thị trường thì có thể xây dựng dự án để trình tỉnh phê duyệt trung tâm hoạt động theo cơ chế khoán.
Còn nếu các trung tâm thấy có khả năng tham gia thị trường thì xây dựng đề án hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng khẳng định, các trung tâm là đơn vị duy nhất giữ vai trò cầu nối đưa KHCN từ các viện, trường vào cuộc sống, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.
Để duy trì, nâng tầm hoạt động, đáp ứng yêu cầu địa phương, trước mắt, các trung tâm cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương để làm phong phú thêm hoạt động, phục vụ yêu cầu địa phương như chương trình đổi mới CN Quốc gia; Chương trình Nông thôn miền núi; Chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; chương trình Phát triển tài sản trí tuệ; các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Bên cạnh đó, bộ đang soạn thảo chỉ thị về đầu tư phát triển KHCN trình Thủ tướng ban hành để tháo gỡ khó khăn, gút mắt… làm căn cứ để giao kinh phí đầu tư phát triển KHCN, trong đó có các trung tâm ứng dụng KHCN.
N.VĂN