Thứ Tư, 25/12/2013, 07:28 (GMT+7)
.

Từ các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể-nghĩ về sức khỏe công nhân

Lại một vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra với khoảng 100 công nhân của Công ty TNHH túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành). Như vậy, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 3 vụ NĐTP đều ở các bếp ăn tập thể mà nạn nhân của các vụ NĐTP chính là công nhân. Với con số lên đến cả ngàn công nhân bị ngộ độc, phải cấp cứu ở các bệnh viện đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của bữa ăn, nhất là bữa ăn của công nhân.

Những vụ NĐTP lớn xảy ra liên tục trong thời gian qua không chỉ đang bào mòn sức khỏe công nhân, mà chính là “kẻ sát nhân thầm lặng”. Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (huyện Chợ Gạo) vào đầu tháng 10-2013, với 779 công nhân bị ngộ độc (không tử vong) sau bữa cơm trưa (khẩu phần ăn gồm canh bắp cải thảo, thịt viên nhồi trứng cút, cá nục chiên và bầu xào). Suất ăn này do Công ty TNHH Thương mại Hoa Lan (TP. Hồ Chí Minh) cung cấp.

Công nhân bị ngộ độc trong vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (huyện Chợ Gạo) được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Công nhân bị ngộ độc trong vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (huyện Chợ Gạo) được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina bị ngộ độc được đưa vào cấp cứu dồn dập đến nỗi Bệnh viện Đa khoa Chợ Gạo như một bệnh viện dã chiến, không còn chỗ chứa, bệnh nhân nằm tràn qua các khoa khác, thậm chí tận dụng ngay cả nhà ăn; chưa kể, bệnh viện phải cử nhân viên y tế đến hiện trường cấp thuốc cho hàng trăm trường hợp khác bị ngộ độc nhẹ.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế phải cử đoàn công tác đến tỉnh Tiền Giang để cùng phối hợp tổ chức khắc phục hậu quả. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn Salmonella.

Ngay sau khi vụ NĐTP xảy ra ở Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina 4 ngày, Sở Y tế liền có Công văn 3592/SYT-NVY gửi Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đề nghị phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành Y tế đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp tăng cường các hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp; yêu cầu quản lý các bếp ăn tập thể viết cam kết tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Mặc dù vậy nhưng vẫn không thể ngăn các vụ NĐTP tập thể xảy ra. Cụ thể, mới đây nhất, ngày 21-12-2013, tại Công ty TNHH túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang có khoảng 100 công nhân bị ngộ độc sau khi ăn bữa trưa với món cơm dương châu và cánh gà chiên.

Theo nhiều công nhân bị ngộ độc thì suất ăn công nghiệp này được cung cấp từ Công ty TNHH T.T. Do số công nhân bị ngộ độc khá đông nên ngay cả Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cũng trở nên quá tải, nhiều công nhân phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Quân y 120 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.

Theo ngành Y tế, NĐTP trong cộng đồng rất đáng quan ngại, nhất là ngộ độc tập thể tại các khu, cụm công nghiệp. Theo Cục An toàn thực phẩm, tình trạng NĐTP tại các bếp ăn tập thể trong các khu, cụm công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2012, trong 3.600 người của cả nước NĐTP thì 68% xảy ra ở bếp ăn tập thể. Riêng tại Tiền Giang, trong năm 2013, xảy ra 3 vụ NĐTP thì đều ở các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp; ở khu, cụm công nghiệp.

Theo ngành Y tế, tác nhân dẫn đến NĐTP tập thể là do giá trị bữa ăn quá thấp. Khảo sát của ngành Y tế cho thấy, bữa ăn của công nhân tại một số khu, cụm công nghiệp chỉ từ 8.000 - 13.000 đồng/suất. Các bữa ăn thiếu chất kéo dài không chỉ khiến cho rất nhiều lao động bị bào mòn sức lực, thể chất, trí tuệ mà hệ lụy lâu dài là làm cho giống nòi bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng đưa ra cảnh báo, có gần 30% công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này là rất đáng báo động. Nguy hiểm hơn, đối với công nhân nữ mang thai, nếu suy dinh dưỡng sẽ dễ sinh non, thai nhi yếu, dị tật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm nuôi con người nhưng cũng chính là nguyên nhân đã gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm.

Ngộ độc cấp tính còn xử lý được, lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài khi bộc phát là rất nguy hiểm. Bộ Y tế thừa nhận việc loại bỏ NĐTP vẫn là một điều nan giải, ngay cả đối với những quốc gia tiên tiến.

Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật, đặc biệt trong công nhân, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nên quy định tỷ lệ giá trị dinh dưỡng trong mỗi suất ăn, buộc chủ sử dụng lao động phải cung cấp suất ăn đúng khẩu phần.

Ngoài ra, phải siết chặt việc quản lý. “Rút giấy phép kinh doanh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tất cả những nhà cung cấp suất ăn, thực phẩm không đạt yêu cầu để người dân tẩy chay. Đây là giải pháp mạnh, còn nếu phạt tiền như hiện nay thì có lẽ không có tính chất răn đe” - một lãnh đạo Bộ Y tế đã từng nhấn mạnh.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.