Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền
Việt Nam ngày càng chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người.
Cách đây 63 năm, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chính thức chọn ngày 10-12, ngày LHQ công bố bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền làm ngày Nhân quyền thế giới. Tại Việt Nam, năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày này trong bối cảnh đặc biệt, khi lần đầu tiên chúng ta được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ.
Việc được bầu vào Hội đồng nhân quyền với số phiếu cao nhất là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xếp Việt Nam trong số hơn 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người. Ảnh: Vietnam.vn |
Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương về công tác nhân quyền trong tình hình mới, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hết sức cụ thể trên lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Đối với công tác xây dựng pháp luật về đảm bảo quyền con người và cải cách tư pháp, Nhà nước ta đã ban hành mới và bổ sung, sửa đổi một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật liên quan quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương. Hệ thống văn bản luật đã từng bước thể chế hóa các chính sách của Đảng về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về đảm bảo các quyền cơ bản của công dân về kinh tế, văn hóa - xã hội, nền kinh tế nước ta trong nhiều năm đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, bình quân 10 năm qua tăng 7,5%/năm. Sau gần 30 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt, công cuộc xóa đói, giảm nghèo thu được kết quả tích cực. Chỉ số phát triển con người - HDI tăng nhanh trong những năm qua. Thực tiễn nói trên chứng tỏ các quyền về kinh tế, văn hoá - xã hội của người dân Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Công tác tổ chức nghiên cứu khoa học về quyền con người cũng đã được đẩy mạnh với nhiều đề tài các cấp; xuất bản trên 30 đầu sách chuyên khảo, tài liệu liên quan... góp làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về quyền con người, rút ra những kinh nghiệm, làm sáng rõ quan điểm, chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng ta, tạo nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về công tác nhân quyền; đồng thời góp phần tạo cơ sở cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và ký kết, tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, tạo thế chủ động hơn trong công tác đấu tranh đối ngoại.
Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc mở rộng quan hệ hợp tác về mọi mặt với các nước, trong những năm qua, Việt Nam ngày càng chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người. Đã tham gia, ký kết 8 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và nhiều công ước về quyền lao động, trong đó, chúng ta đã gia nhập Công ước chống tra tấn của LHQ (CAT).
Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc quảng bá, tuyên truyền đến cộng đồng quốc tế về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; đấu tranh trực diện với các luận điệu xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm nhân quyền và giải tỏa những thông tin không đúng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Nhìn lại những năm qua, trên lĩnh vực nhân quyền Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Điều này thể hiện qua việc các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa đã được phát huy; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tự này vì thế đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên cho Hội đồng nhân quyền vào tháng 11 vừa qua. Việc tham gia vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu nhân quyền đã đạt được cũng như tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế phù hợp để các quyền con người ngày càng được đảm bảo và thực hiện tốt hơn tại Việt nam.
Nhân dân ta được phát huy các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa…, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở nước ta. Thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, đã thể chế hóa các quyền cơ bản của con người phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của nước ta và các Công ước quốc tế mà ta đã tham gia; các cơ quan bảo vệ pháp luật được kiện toàn, đấu tranh có lý, có tình trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến nhân quyền, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá ta, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
(Theo vov.vn)