Thứ Ba, 03/12/2013, 13:09 (GMT+7)
.

WB: Kinh tế vĩ mô Việt Nam cải thiện đáng ghi nhận

Ông Sandeep Mahajan. Ảnh:Huy Thắng
Ông Sandeep Mahajan. Ảnh:Huy Thắng

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục để khôi phục lại đà tăng trưởng bền vững.

Đây là quan điểm được chuyên gia WB đưa ra tại buổi họp báo điểm lại tình hình triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trước thềm Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2013 chiều 2-12.

Cụ thể, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng ghi nhận. Nhờ việc kiểm soát tốt lạm phát, mối quan ngại về sự bất ổn vĩ mô (năm 2011) đã được xua tan, một phần nhờ các phản ứng kịp thời của Chính phủ và NHNN.

Một trong những điểm sáng kinh tế là xuất khẩu của Việt Nam đã có bước tăng trưởng cao, đồng thời thu hút vốn FDI cũng rất tốt.

Chuyên gia WB khuyến nghị thời gian tới, Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, nhiều giá trị gia tăng. Đồng thời phát triển hạ tầng, giao thông, cải thiện thủ tục thương mại để tăng khả năng cạnh tranh. Về việc tăng trần bội chi, đại diện WB cho rằng việc này trong ngắn hạn có thể chấp nhận được nhưng trong dài hạn cần phải hạn chế.

Bên cạnh sự ổn định, đại diện WB cũng khuyến nghị giải quyết một số tồn tại như tăng trưởng GDP có xu hướng giảm và xu hướng này còn tiếp diễn. Do kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên những khó khăn của kinh tế thế giới tác động mạnh. Dù Chính phủ có nhiều nỗ lực phản ứng nhưng khả năng giải quyết vẫn còn hạn chế do cầu yếu và đang suy giảm, dư địa của chính sách tài khóa cũng không còn nhiều.

Để giải quyết cơ bản vấn đề, ông Sandeep Mahajan cho rằng: Một trong những vấn đề quan trọng là phải thực hiện tái cơ cấu quyết liệt, đặc biệt khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cần cải thiện khung pháp lý cho việc công khai tài chính, công khai thông tin của DNNN bị hạn chế. Cần đẩy nhanh cải cách DNNN bằng cách phối hợp đồng bộ hơn giữa các cơ quan chức năng, từ đó phát những tín hiệu tốt hơn cho thị trường.

Về tái cơ cấu ngân hàng,  ông Sandeep Mahajan, đánh giá cao việc thành lập và triển khai hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, quan trọng nhất cần phải phân loại nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, có các quy định phá sản với các ngân hàng yếu kém.

Về các vấn đề xã hội, đại diện WB cũng đánh giá cao về cải thiện xóa  đói giảm nghèo của Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng thu nhập và tiêu dùng của 90% dân số nghèo nhất của Việt Nam đã tăng, chỉ 10% dân số giàu nhất có tăng trưởng thu nhập và tiêu dùng giảm đi. Trong 1-2 năm gần đây, tỷ lệ bất bình đẳng giảm đi, tỷ lệ nghèo của dân tộc thiểu số giảm từ 66% xuống 59%...

Cũng về chủ đề này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng điểm đáng ghi nhận là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn đang ngày càng phát triển, sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ cho các doanh nghiệp này đã được cải thiện, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.