Thứ Sáu, 03/01/2014, 13:19 (GMT+7)
.

Liên kết thực chất

Ngày 10-12, Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn chính thức có hiệu lực. Đây được xem là một trong những quyết định mang tính động lực nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản và thay thế Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ trước đây.

Thực tế chỉ có khoảng 1% trái cây được tiêu thụ thông qua hợp đồng.
Thực tế chỉ có khoảng 1% trái cây được tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Quyết định 62 có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó quy định chính sách ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, gắn với từng chính sách hấp dẫn hơn trước. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp (DN), được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân, nhà công vụ phục vụ cho dự án cánh đồng lớn.

Để được hưởng ưu đãi, DN phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với các DN khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, gắn với mua nông sản của hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân trong dự án cánh đồng lớn; có vùng nguyên liệu đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu và có hệ thống sấy, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh của DN theo hợp đồng.

Đối với tổ chức đại diện của nông dân cũng được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê để thực hiện xây dựng cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn; được hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên.

Điều kiện hưởng ưu đãi, hỗ trợ là có hợp đồng và thực hiện cung ứng đầu vào cho sản xuất hoặc tổ chức sản xuất hay tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn…

Đối với nông dân, được hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn; được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại DN, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản, với điều kiện hộ nông dân cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được cấp có thẩm quyền xác nhận.

Nhìn một cách tổng thể, tất cả các chính sách ưu đãi trên đây là phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và liên kết trong tiêu thụ nông sản nói riêng nhằm thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Điều này còn có ý nghĩa hơn đối với ĐBSCL, khu vực thuần nông nghiệp với những tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cần phải tháo gỡ. Nói như ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quyết định 62 có rất nhiều ưu đãi thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nhưng nếu xét về nhiều góc cạnh khác nhau, hiệu quả thực hiện của Quyết định 62 như thế nào còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm. Bởi trên thực tế, có một phần không nhỏ các chính sách theo như Quyết định 62 cũng đã được đề cập trong các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhất là liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bởi theo thống kê của PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, thời gian qua đã có 407 văn bản pháp quy liên quan đến cơ chế, chính sách đề cập đến các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Theo đó, có đến 205 cơ chế, chính sách liên quan đến cây lúa, hạt gạo; 162 cơ chế, chính sách liên quan đến thủy sản và 40 liên quan đến cây ăn trái.

Nếu xét về số lượng văn bản pháp quy, chúng ta không thiếu các cơ chế, chính sách cho các sản phẩm được xem là chủ lực của ĐBSCL, nhưng tại sao các mặt hàng này nhiều năm qua vẫn cứ loay hoay, bị vướng ở nhiều khâu. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực đều được nhận định còn nhiều điều phải bàn cải. Thể hiện cụ thể nhất là Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được ban hành cách đây hơn 10 năm (vào năm 2002).

Đánh giá về kết quả thực hiện Quyết định 80, tại hội nghị gần đây, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng đạt còn thấp, chỉ từ 2-3% sản lượng lúa, từ 0,3-1% cây ăn trái… Với hàng loạt nguyên nhân được đưa ra như: tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN và nông dân vẫn tiếp diễn; tập quán sản xuất nhỏ, cá thể; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa cao…

Mới đây, để đủ điều kiện được Bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo, các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh buộc lòng phải xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Trên thực tế, đã có 7 DN ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ hoặc hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ lúa của nông dân, với hàng trăm ha lúa đã được ký kết.

Tuy nhiên, tại cuộc họp với các DN xuất khẩu gạo gần đây, ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương cũng phải “lưu ý” với các DN là việc ký kết tiêu thụ lúa phải đi vào thực chất chứ không phải ký để đủ điều kiện làm thủ tục cấp phép xuất khẩu gạo.

Rõ ràng Quyết định 62 có hiệu lực từ ngày 10-12 là một trong những dấu hiệu tích cực cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiệu quả thế nào còn phải chờ việc triển khai thực hiện. Vấn đề cần được trả lời thỏa đáng là việc liên kết, một trong những nội dung cốt lõi của Quyết định 62 có đi vào thực chất hay không.

PHƯƠNG ANH

.
.
.