Năm 2014: Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi
Năm 2014, nhiều tổ chức cũng như các chuyên gia kinh tế tại các định chế tài chính hàng đầu thế giới đã nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013.
Các đánh giá xu hướng kinh tế năm 2014 theo ba trụ cột chính: Sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước. Kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%).
Ảnh min họa. Ảnh: Như Lam |
Chuyên gia kinh tế từ các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Morgan Stanley dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3,4% trong năm 2014, so với dưới 3% năm 2013 khi Khu vực đồng Euro hồi phục từ suy thoái và các thị trường mới nổi khác ổn định.
Joachim Fels, Kinh tế trưởng tại Morgan Stanley nhận định: “Năm tới có thể sẽ mang lại một sự chuyển biến rất quan trọng, một sự chuyển biến tiến tới ổn định hơn, an toàn và phục hồi bền vững hơn”.
EIU - Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (The Economist, Anh) vừa công bố báo cáo nhận định triển vọng kinh tế thế giới, trong đó dự báo GDP toàn cầu năm 2014 sẽ tăng 3,6%. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.
Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 do Liên Hợp Quốc vừa công bố, nhận định: Khu vực đồng Euro chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng. Yếu tố quan trọng đối với triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu đó chính là khả năng hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo báo cáo của EIU, triển vọng kinh tế thế giới sẽ sáng hơn, khi tăng trưởng GDP khá hơn trong năm 2014, nhờ đà tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi ấn tượng ở Khu vực đồng Euro (Eurozone).
Báo cáo nhận định: Mỹ, nền kinh tế số một thế giới đang có nhiều tín hiệu tích cực, với tốc độ tăng GDP đạt 3,6% trong quý III/2013 và có thêm gần 600.000 việc làm mới trong 3 tháng gần đây; niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2013 ảnh hưởng tiêu cực do chính phủ đóng cửa một phần hồi tháng 10, nhưng EIU dự báo GDP của Mỹ vẫn tăng 1,7% cả năm 2013 và lên mức 2,6% năm 2014.
Với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản, EIU cho rằng, chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đạt kết quả tốt, giúp đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu tăng nhanh nhờ được hỗ trợ từ đồng yên giảm giá và sức ép lạm phát giảm bớt. EIU dự báo, GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,7% năm 2014, cao hơn chút ít so mức tăng trưởng năm nay.
Trong khi đó, trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, Trung Quốc lại có chiều hướng giảm tốc. EIU nhận định, tốc độ tăng GDP của nền kinh tế số hai thế giới sẽ giảm từ 7,7% năm nay, xuống mức 7,3% năm 2014, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Sau những năm khó khăn, kinh tế Ấn Độ đang được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 2-2013 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bốn năm gần đây, nhưng đã phục hồi trong quý 3 vừa qua. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh và đồng ru-pi yếu là những yếu tố thúc đẩy đà phục hồi kinh tế Ấn Độ. Theo EIU, GDP của Ấn Độ dự kiến tăng 4,9% năm nay và tăng 6% năm 2014.
Kinh tế Eurozone đã khởi sắc sau 6 tháng sụt giảm liên tiếp. GDP quý II tăng 0,3% và 0,1% quý III/2013; dự báo sẽ tăng mức 0,9% trong năm 2014, trong đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức tăng trưởng 1,4%, theo sau là nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp, tăng 0,7%.
Đối với các nền kinh tế Đông Âu, EIU dự báo GDP chỉ tăng nhẹ, ở mức 1,4% năm nay do sự giảm tốc của nền kinh tế Nga và các yếu tố khó khăn khác ở các nền kinh tế Đông và Trung Âu. Tuy nhiên, theo EIU, năm 2014 nhu cầu ở Đức và Eurozone sẽ phục hồi và dự báo tăng mạnh, giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực Đông Âu. Tăng trưởng GDP của Đông Âu dự kiến đạt 2,9% năm 2014, trong đó tăng mạnh nhất là kinh tế lớn nhất khu vực là Nga, với mức 3%.
Tại khu vực Nam Mỹ, tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc do những bất lợi ở thị trường vốn và nhu cầu yếu ở các thị trường xuất khẩu chủ yếu của khu vực là châu Âu và Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Brazil gặp nhiều khó khăn do những hạn chế trong hoạch định chính sách và thiếu vốn đầu tư trầm trọng. EIU dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Nam Mỹ ở mức 3,2% năm 2014, một phần nhờ hưởng lợi từ các điều kiện tốt hơn của kinh tế toàn cầu.
Đối với Trung Đông và Bắc Phi, tình hình bất ổn chính trị tiếp tục là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế của khu vực. EIU dự báo, GDP của cả khu vực này chỉ tăng 3,7% năm 2014, chủ yếu nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, về trung hạn, triển vọng kinh tế khu vực vẫn bấp bênh, phụ thuộc tình hình bất ổn hiện nay được giải quyết đến đâu.
Trong khi đó, theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á năm 2014 sẽ mất thêm một năm tăng trưởng chậm do những yếu kém trong cơ cấu nội tại cũng như bất bình đẳng gia tăng. ESCAP cho rằng quyết định cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của Fed từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD/tháng từ tháng 1/2014 có thể khiến các nước như Malaysia, Philipines, Nga và Thái Lan mất đi 1,2-1,3% tăng trưởng năm 2014.
Báo cáo gần đây của nhiều tổ chức lớn kể cả Liên hợp quốc không ngừng cảnh báo những rủi ro xuất phát từ việc Fed rút lại chương trình nới lỏng định lượng. Liên hợp quốc nhận định động thái này có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh về lãi suất trong dài hạn, đồng thời cũng không loại trừ khả năng bán tháo cổ phiếu, thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi và tiền tệ mất giá mạnh như hồi tháng 8-2013.
Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, từng cảnh báo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không nên rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế quá sớm, bởi việc dừng chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
IMF nhận định, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển sẽ bước vào một giai đoạn khiêm tốn hơn. Định chế này đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng nói chung của nhóm 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hay còn gọi là nhóm BRIC.
Không chỉ có IMF, một loạt ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank và HSBC mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Mặc dù những dấu hiệu tích cực trên khiến dư luận lạc quan hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, song trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro:
Thứ nhất, Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công có thể khiến lục địa này rơi vào tình trạng nghèo đói kéo dài khi thất nghiệp vẫn ở mức báo động hơn 12%.
Thứ hai, việc Fed ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài, đồng thời có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng các chương trình cải cách mới công bố của Trung Quốc như hoán đổi toàn diện đồng Nhân dân tệ, giảm vai trò của Chính phủ trong kiểm soát giá gas, dầu, nước. Và kết quả là tỗ độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm tốc.
David Hensley, Giám đốc hợp tác kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase ở New York dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,5% vào năm sau so với 1,8% năm nay. Tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kìm hãm phần nào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 ngay cả khi kinh tế Mỹ, Eurozone phục hồi.
(Theo chinhphu.vn)