Ước vọng mùa xuân
Mùa Xuân đã về với đất trời và con người. Đất trời chuyển mùa mang luồng sinh khí mới làm cho vạn vật bừng tươi, cây cỏ nở hoa kết trái, nắng gió hiền hòa. Bàn tay con người điểm xuyết càng làm cho cảnh sắc thêm hoành tráng, rực rỡ. Thiên nhiên và con người như cùng hòa chung một niềm cảm xúc, ước mơ.
Trong bộn bề công việc mừng Xuân vui Tết, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” luôn đứng đầu mọi loại công việc: Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, mộ tổ tiên ông bà, giải quyết chu đáo chính sách dành cho người có công, tặng quà người khuyết tật, người già cơ nhỡ, trẻ em mồ côi…, làm cho mọi người đều có Xuân, có Tết.
Ngày hội lớn nhất này của dân tộc còn là dịp đoàn tụ gia đình, thăm viếng, chúc mừng lẫn nhau với bao câu chuyện hàn huyên tâm sự; nhìn lại những chuyện đã qua, dự tính những điều sắp đến của đất nước, của gia đình, của bản thân.
Trong suy nghĩ và trong câu chuyện của bạn đọc, Ấp Bắc xin góp vài tiếng nói tâm huyết, chủ yếu trên bình diện của đất nước, của Tiền Giang mình.
Ảnh: Cao Lập Đức |
Với cột mốc 90 triệu dân, đứng thứ 14 của thế giới, thứ 3 của khu vực, Việt Nam đạt chuẩn là một cường quốc về dân số. Gần ngót 3 thập kỷ đổi mới, nước ta vừa ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang phấn đấu tiến đến mục tiêu là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Diện mạo của đất nước có nhiều đổi mới. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước.
Vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Nhưng với thực trạng kinh tế thế giới và trong nước phát triển chậm như những năm qua, lại thêm những biến đổi bất thường của khí hậu, thiên tai dồn dập…, đạt được mục tiêu như đã đề ra là không dễ dàng. Chưa nói tới những vấn đề văn hóa, đạo đức xuống cấp, y tế, giáo dục, khoa học trì trệ.
Trước thực trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp vừa khẩn cấp vừa lâu dài để tháo gỡ. Đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đã rõ, tuy còn phải vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung một số điều, nhưng cơ bản đúng hướng, khá đầy đủ. Vấn đề là thực thi phải hết sức quyết liệt, đầy sáng tạo, với tinh thần không ngừng đổi mới.
Để sáng tạo, đổi mới, cần nhìn lại khẩu hiệu “khai phá” mà Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã chỉ rõ trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Và gần đây Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI-năm 2011) tiếp tục nêu: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh.
Tại diễn đàn Quốc hội vào cuối năm nay, một số vị đại biểu đã nêu bức xúc của yêu cầu đổi mới như là mệnh lệnh của thời đại. Phát biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 1-11-2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói:
“Năm 2016 - 2020, nếu Việt Nam không đổi mới, chắc chắn Việt Nam sẽ khó khăn, tôi nghĩ Quốc hội cũng cảm nhận được điều này… Tôi tin tưởng đất nước Việt Nam sẽ phát triển với những con người thông minh và có học hành, chắc chắn Việt Nam sẽ không thua kém các nước như Hàn Quốc và Nhật”.
Nhìn sang láng giềng, ta thấy đảo quốc Singapore phát triển không ngừng, vậy mà Thủ tướng Lý Hiển Long lại vừa kêu gọi dân mình phải cấp bách có những đổi thay mới, nếu không sẽ lâm vào nguy cơ tụt hậu.
Không lúc nào những yêu cầu về thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu của mọi tổ chức, mọi địa phương lại được nói nhiều như lúc này. Chung quy lại cũng là vấn đề cán bộ. Cán bộ chủ chốt, thành bại ở cái tâm và cái tài của những người này. Đúng là một cơ quan, một ngành, một địa phương nơi thì trì trệ, nơi phát triển đều tùy thuộc rất quyết định ở người đứng đầu. Có khi nơi phát triển điều kiện khách quan còn khó khăn hơn nơi trì trệ.
Tiền Giang chúng ta cùng với cả nước có chung vận hội, thách thức. Nhưng chúng ta cũng có những đặc thù: đất chật, người đông, tài nguyên thiên nhiên không phong phú. Nằm ở vùng ĐBSCL giàu có về lúa gạo, cá tôm nhưng là “vùng trũng” về giáo dục và một số lĩnh vực khác.
Còn là vùng sẽ bị ngập nặng trước hiểm họa biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vấn đề con người, vấn đề cán bộ càng đặt ra gay gắt. Cán bộ có tâm, có tài thực hiện tốt dân chủ, huy động được nhân, tài, vật lực trong nhân dân; vừa khắc phục những nhược điểm đặc thù; vừa cùng cả nước thực hiện sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dân Việt Nam ở đâu cũng có truyền thống anh hùng. Vấn đề là đảm bảo đúng người làm đúng việc, người tài thỏa sức cống hiến vì nước, vì dân.
Ước vọng mùa Xuân, nhiều lắm, nhưng Xuân này xin đưa lên bàn trà, mâm rượu đơn giản bấy nhiêu điều.
ẤP BẮC