Thứ Năm, 27/02/2014, 09:15 (GMT+7)
.

Giáo dục y đức cần phải gắn liền với nâng cao y nghiệp

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, người dân đang phải trả chi phí dịch vụ y tế quá cao, chiếm gần 50% tổng chi tiêu y tế. Đây là lý do mỗi năm nước ta có khoảng 774.000 gia đình rơi vào nghèo đói và gần 60% hộ nghèo phải nợ nần vì chi phí chữa bệnh.

Nếu bệnh viện lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao hoặc kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc đắt tiền không cần thiết thì càng khiến người dân lâm vào cảnh nghèo khó.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho rằng, hơn lúc nào hết, y đức cần được nâng cao và việc giáo dục về đạo đức của ngành Y tế cũng cần được đổi mới.

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện K (Ảnh: Kim Anh)
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện K. Ảnh: Kim Anh

“Vấn đề y đức giữa bao cấp và thị trường khác nhau. Thời kỳ bao cấp, chúng tôi chỉ giáo dục cho học sinh trường y một điều "hy sinh, hy sinh và hy sinh". Nhưng ngày nay, nói như vậy không vào lòng người, mà phải đề cập mối quan hệ giữa hy sinh và lợi ích của người thầy thuốc. Vì vậy vấn đề giáo dục y đức cần phải được thay đổi. Phải phân tích mối quan hệ giữa lợi ích của người thầy thuốc với lợi ích của người bệnh và phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích của người thầy thuốc”, GS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Nghề y là nghề đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên đòi hỏi y đức phải gắn với y nghiệp, đặc biệt coi trọng giáo dục y đức gắn với giáo dục tính chuyên nghiệp trong y học. Các y, bác sĩ không được viện cớ về tỷ lệ tai biến y khoa nằm trong giới hạn cho phép để biện minh cho những sai sót của mình.

Người thầy thuốc không đơn thuần là chữa bệnh mà còn là chữa con bệnh. Vì cùng một loại bệnh nhưng đối với mỗi cơ thể lại do những nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi người thầy thuốc phải sử dụng cả kinh nghiệm lâm sàng, lẫn tâm lý và niềm tin để điều trị.

Thực tế, có những bệnh nhân tưởng như không thể qua khỏi nhưng nhờ sự kiên trì, trách nhiệm của y, bác sĩ hoặc ít nhất là không làm cho người bệnh nặng thêm đã giành lại được sự sống từ tay tử thần.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Theo tôi, đạo đức trong ngành y hội tụ 3 điều. Trước tiên người thầy thuốc phải có một trái tim nhân hậu, nhân ái, mà trái tim ấy biết yêu thương con người, mà con người cụ thể ở đây là những bệnh nhân của mình. Thứ 2 là phải có bàn tay vàng, kỹ năng giỏi. Điều thứ 3 là phải có cái đầu thông minh. Vì một đứa trẻ con hay người lớn bị cùng một bệnh nhưng xảy ra tại địa điểm khác nhau, ở những tình huống khác nhau thì chúng ta phải xử lý khác nhau. Cái đầu thông minh là ra quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh.”

Một nền y tế công bằng là khi chi phí từ tiền túi của người dân càng nhỏ nhưng đầu tư của Nhà nước và từ quỹ bảo hiểm y tế tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa đạt được điều này, cộng thêm việc các thầy thuốc chưa được đãi ngộ xứng đáng, cuộc sống có người còn khó khăn, đã gây lực cản cho sự phát triển của ngành Y tế.

Trên thực tế, đã có một số thầy thuốc vì chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị đạo đức tối thiểu, xem nhẹ tính mạng và quyền lợi của bệnh nhân gây bức xúc trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Trong ngành y, đề cao y nghiệp nhưng đúng là cần quan tâm về y đức. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai một loạt các biện pháp cần thiết, từ giáo dục nâng cao nhận thức, thực hiện quy tắc ứng xử của ngành y. Những giải pháp ngắn hạn như củng cố đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân, Bộ cũng đã chỉ đạo tất cả các trường Y, Dược thành lập bộ môn về y đức, đào tạo tập huấn về quy tắc ứng xử và ngày 27-2 cũng là dịp để ngành y tế giáo dục truyền thống, y đức đối với toàn ngành.”.

(Theo vov.vn)

.
.
.