Thiên đường ở thế gian
Con người ai cũng qua cái vòng sinh, lão, bệnh, tử, theo như lý thuyết của nhà Phật. Nhưng trong thực tế, sinh, tử là chuyện tất yếu; còn lão, bệnh thì tùy điều kiện, hoàn cảnh bên trong, bên ngoài của mỗi người mà có diễn ra đầy đủ hay không. Theo các tôn giáo thì nơi con người đang sống là Trần gian, Thế gian, Cõi đời… Còn nơi dành cho người tốt sau khi mất là Thiên đàng, Niết bàn, Bồng lai, Tiên cảnh… ; người xấu thì bị đày xuống địa ngục.
Lớn lên, ít nhất trong một lúc nào đó, nhiều người đã tự hỏi: Ta là ai, ta từ đâu đến, đến để làm gì, ta sẽ về đâu, nếu cha mẹ không sinh ra ta thì ta có mặt trên cõi đời này bằng cách nào...? Biết bao luận thuyết do con người nghĩ ra, giải thích cho sự hiện diện của mình, của vạn vật, luôn cả cho sự tồn tại của không gian, thời gian, vũ trụ…
Tựu trung có hai cách giải thích, cho rằng do một đấng quyền năng tối thượng sáng tạo ra hoặc do sự tiến hóa tự nhiên của vạn vật phát triển thành. Từ cách giải thích đó, người ta phân biệt hai phái hữu thần và vô thần, duy tâm và duy vật.
Mỗi bên lại có biết bao luận thuyết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, giải thích cho quan điểm của mình. Và trong hành động, không ít những cuộc thánh chiến đầu rơi máu chảy đã xảy ra, đang xảy ra vì đức tin, tín ngưỡng khác nhau.
Ảnh: Cao Lập Đức |
Khoa học tự nhiên đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đã làm rõ được nhiều hiện tượng tự nhiên, phân tích nguồn gốc của vật chất, đưa con người vào vũ trụ, lên mặt trăng, phóng tàu vũ trụ thám hiểm sao Hỏa… Nhưng vũ trụ bao la vẫn còn là điều bí ẩn, vẫn còn mênh mông những điều chưa được biết. Lời giải của những người hữu thần cho những điều chưa biết vẫn là sự mầu nhiệm của Đấng quyền năng tối thượng.
Trong khi đó, cái nôi của con người là quả địa cầu này cứ ngày càng bị xuống cấp do ô nhiễm không khí, nguồn nước, mất rừng, tài nguyên cạn kiệt… làm khí hậu nóng lên khiến băng tan, nước biển dâng, hoang mạc hóa, bão lụt ngày càng dữ dội…
Phần lớn nguyên nhân do chính con người gây ra trong quá trình sản xuất, phát triển công, nông nghiệp mà không xử lý có hiệu quả các loại chất thải, khai thác bừa bãi rừng và tài nguyên thiên nhiên. Nạn đói nghèo vẫn đeo đẳng một bộ phận lớn nhân loại. Bất công xã hội diễn ra khắp nơi giữa giàu nghèo. Các loại bệnh tật, dịch bệnh hoành hành…
Thảm họa của thiên nhiên và xã hội càng làm cho không ít người bi quan về vận mệnh tương lai của mình, kể cả tin vào ngày tận thế, dù nhiều lần những lời đồn đoán đó đã không xảy ra. Trong khi đó, khoa học và công nghệ tuy chưa giải thích được tường tận thế giới, vẫn phát triển theo tốc độ ngày càng nhanh, mở ra cơ hội lớn để loài người khắc phục các thảm họa môi trường, kiến tạo đất nước, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc mình; ai chậm chân sẽ rơi vào nguy cơ tụt hậu.
Con người đã ngồi lại với nhau bàn bạc, tìm cách khắc phục, ứng phó với các thách thức của thiên nhiên, của xã hội, hợp tác cùng phát triển, cùng tiến bộ. Cuộc chiến ý thức hệ đã lùi lại, lắng dịu. Tuy vẫn còn một số thế lực cuồng tín phát động thánh chiến, khủng bố; một số nước vẫn còn tham vọng tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, nhưng xu thế lớn vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Chuyện hữu thần, vô thần là chuyện riêng của từng cộng đồng, từng gia đình, từng người.
Ở nước ta, Đảng và Bác Hồ đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, trở thành động lực có ý nghĩa quyết định trong việc tạo nên sức mạnh vô địch thực hiện sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng. Qua công tác Mặt trận, thực hiện đoàn kết giáo lương trong kháng chiến. Nay tiếp tục thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng.
Đảm bảo tự do của mình không xâm phạm đến tự do của người khác, không được vi phạm pháp luật. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ định kiến, mặc cảm về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc…
Cùng với đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Bác Hồ còn triển khai mạnh mẽ chủ trương đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Mặt trận đoàn kết này cũng đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
Suốt đời Bác Hồ “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì ham muốn tột bậc đó mà Người cống hiến cả đời mình cho dân, cho nước. Về phương diện học thuyết, lý tưởng, chủ trương… điều gì có lợi cho dân, cho nước là Người học tập, vận dụng, tranh thủ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tuy là người theo chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng khác với nhiều nhà mácxít - lêninnít khác, Người không đấu tranh trực diện với quan điểm thần học, với giáo lý các tôn giáo. Người nhấn mạnh điểm tương đồng của học thuyết mácxít với lý thuyết tôn giáo, giữa khát vọng của nhân dân lao động với lý tưởng của những người sáng lập các tôn giáo chân chính. Người nói: Chúa Jesus dạy đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy đạo đức là nhân nghĩa.
Người luôn khiêm tốn, cầu thị đối với các danh nhân quốc tế trong câu nói thường được trích dẫn: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Jesus có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau một cách hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(1).
Ảnh: Duy Anh |
Như vậy, giữa hữu thần và vô thần, duy tâm và duy vật đều có mẫu số chung là làm sao cho con người ở cõi nhân gian này vượt qua đau khổ, sống được an vui. Dù trong luận thuyết của mình, đa số những người hữu thần nói đến một chốn an lạc khác, miên trường hơn (Thiên đàng, Niết bàn, Bồng Lai, Tiên cảnh…).
Không ít người xem cuộc đời này là cõi tạm, sống gửi thác về. Nhưng điều quý báu là vẫn lo tu nhân tích đức, cứu nhân độ thế, không coi nhẹ trách nhiệm với đồng loại, kể cả sự sống của muôn loài… khi còn ở thế gian này. Khuyến khích người thiện và răn đe kẻ ác còn có thuyết quả báo luân hồi… Trừ đi những kẻ buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để mưu cầu lợi riêng, những người chân tu bao giờ cũng được ngưỡng mộ, kính nể. Như đoạn trích câu nói trên của Bác Hồ.
Trên thế giới từng có nhiều triết thuyết về thế giới quan, nhân sinh quan. Đảng ta và Bác Hồ đã chọn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, được Bác Hồ và Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới, đã hình thành tư tưởng Hồ Chi Minh, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chi Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
Trên nền tảng tư tưởng đó, Đảng và nhân dân ta kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới (2).
Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen.
Đó là một xã hội mà tất cả những người yêu nước chân chính, hữu thần hay vô thần đều tìm thấy những điểm chung, thấy lý tưởng của mình trong đó. Các tôn giáo có mục tiêu chung: Sống tốt Đời, đẹp Đạo. Phật giáo có phương châm: Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Công giáo có khẩu hiệu: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc…
Thiên đàng hay Niết bàn, Bồng lai hay Tiên cảnh là ở một thế giới khác, phản ánh niềm tin và khát vọng ngàn đời của con người. Địa ngục có hay không, vẫn có tác dụng răn đe kẻ ác. Thế gian hiện hữu này dù là cõi tạm cũng đáng cho ta chung tay xây đắp, và thực tế mọi người đã làm như thế. Hãy đoàn kết xây dựng Thiên đàng ở Thế gian, vì một cuộc sống đáng sống mà các thế hệ loài người đang sống, tiếp tục sống…
TRẦN QUÂN
(1) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 11-6-2012, bài “Hồ Chí Minh về tôn giáo - tư duy sáng tạo và độc đáo”, tác giả: PGS-TS Nguyễn Đức Lữ (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tr. 70.