Thứ Sáu, 21/02/2014, 07:54 (GMT+7)
.

Trúng mùa và những nỗi lo cũ

Vụ lúa đông xuân 2013-2014 sắp bước vào đợt thu hoạch rộ, được dự báo là trúng mùa. Theo như đánh giá của ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năng suất lúa đông xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 6,5 tấn/ha, còn trà lúa đông xuân chính vụ nhiều nơi thu hoạch trên 8 tấn/ha. Phần lớn diện tích lúa đông xuân được trồng ở ĐBSCL là giống lúa chất lượng cao, lúa thơm và chất lượng gạo rất tốt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, đó chưa hẳn là thông tin quá lạc quan, bởi hiện tại vẫn còn nhiều nỗi lo chung trước vụ mùa thu hoạch rộ. Đặt vấn đề với ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, chuyên cung ứng xuất khẩu gạo, nhận được thực tế rằng, vào đầu tháng 3 là thu hoạch chính vụ lúa đông xuân, nhưng hiện tại vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung nào được ký kết.

Hiện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang tập trung giao những lô hàng cuối cùng cho Philippine, khoảng 130.000 tấn đến cuối tháng 2 là kết thúc. Không có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung dẫn đến thiếu tính dẫn dắt thị trường gạo Việt Nam.

Thu hoạch lúa.
Thu hoạch lúa.

Nhìn ở một góc độ khác, hiện tại Thái Lan đang tồn kho hơn triệu tấn gạo, nên dù muốn hay không nước này vẫn phải tìm cách bán ra nhằm giải phóng lượng hàng tồn và quay nhanh đồng vốn. Điều này đã tác động không nhỏ đến giao dịch gạo trên thị trường, do các đầu mối nhập gạo đang chờ động thái từ các kho trữ gạo của thế giới.

Trong khi các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam những năm qua đang dần tự vươn lên trong sản xuất lúa nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Vả lại, thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam những năm gần đây dựa nhiều vào Trung Quốc, nhưng thị trường này chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro do đa phần tiêu thụ gạo của Việt Nam sang thị trường này theo đường tiểu ngạch.

Chính những diễn biến như thế đã dẫn đến một thực tế là, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang được chào ở mức tương đối thấp. Theo ông Lâm Anh Tuấn, giá gạo 5% tấm hiện chỉ dao động khoảng 375 USD/tấn (tương đương 7.600 đồng/kg), trong khi giá gạo nguyên liệu trong nước dao động từ 7.200-7.250 đồng/kg (IR50404). Do vậy, hầu hết các DN kinh doanh gạo không giao dịch mới mà chủ yếu thực hiện những hợp đồng cũ đã ký trước đây, nên thị trường lúa gạo trong nước trở nên trầm lắng hơn.

Nhìn nhận về thực tế này, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè) cho rằng, hiện nay các DN đang tích cực đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm sang châu Phi, Trung Quốc, Hong Kong... Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường này rất lớn, vấn đề còn lại là giá cả.

Một thị trường tiêu thụ gạo đang trầm lắng như thế liệu sẽ tác động gì đến giá lúa vụ đông xuân chuẩn bị thu hoạch rộ? Trả lời câu hỏi này, đại diện các DN xuất khẩu gạo nhận định rằng, theo giá thành sản xuất lúa bình quân vụ đông xuân 2013-2014 của ĐBSCL do Bộ Tài chính vừa công bố là 3.769 đồng/kg (đối với lúa phơi khô quạt sạch), trong khi giá lúa tiêu thụ hiện tại đang ở mức 4.600 đồng/kg (lúa tươi), nên người trồng lúa vẫn còn có lãi.

Tuy nhiên, khi vào chính vụ có nhiều khả năng giá lúa sẽ giảm do thị trường tiêu thụ khó khăn. Khi thực trạng này diễn ra, dù muốn hay không phương án tạm trữ lúa gạo chắc chắn sẽ được tính đến. Nhưng nhiều người cho rằng, mua tạm trữ chưa phải là giải pháp tối ưu.

Một trong những giải pháp cần xem xét là ngành Nông nghiệp nên sản xuất theo chiều sâu, có những vùng không thuận lợi cho sản xuất lúa nên chuyển đổi nhằm tránh áp lực tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch rộ…

THẾ ANH

.
.
.