Trung Quốc sẽ đối mặt với liên minh Mỹ - Nhật mạnh hơn
Tuy thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những tuyên bố khẳng định mong muốn của nước này trong việc hình thành một loại quan hệ mới với Mỹ nhưng theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một liên minh Mỹ - Nhật ngày một mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Mặc dù Trung Quốc đưa ra giải thích cho những tuyên bố của họ là mong muốn trỗi dậy hòa bình của một quốc gia nhưng dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn được xem là một trong số những diễn viên chính trong nền chính trị thế giới - một quốc gia có ý định thay đổi trật tự thế giới, soán ngôi vị của Mỹ, bắt đầu từ khu vực Đông Á.
Tình hình ở Hoa Đông sẽ khó có thể được cải thiện vì mối quan hệ phức tạp 3 bên Mỹ - Trung - Nhật. |
Trung Quốc đã mất hơn 3 thập kỷ để học tập, phát triển, đầu tư vốn kiến thức và kỹ năng quản lý tiên tiến đặc biệt là thông qua việc sử dụng các nguồn lực từ phương Tây. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế như vũ bão, Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt là ở khu vực Đông Á.
Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và đặc biệt là trong khu vực đã khiến nảy sinh những vấn đề ngoại giao phức tạp. Với tuyên bố về “đường 9 đoạn” ở Biển Đông hay việc đơn phương thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông ADIZ của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đương nhiên không thể ngồi yên.
Mối quan hệ 3 bên Mỹ - Trung - Nhật
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Nhật Bản là hai trong số các mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong nền chính trị thế giới đương đại của Mỹ, đặc biệt là khi nước này đang cố gắng để thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, ngay cả khi Trung Quốc đang nỗ lực để xây dựng một loại “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ, họ vẫn có thể phải đối mặt mới một liên minh Mỹ - Nhật ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo cái được gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới”, Trung Quốc cam kết xây dựng mối quan hệ Trung - Mỹ kiểu mới và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trên cơ sở nguyên tắc ngoại giao không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: AP |
Giới phân tích nhận định, dù Trung Quốc không có ý định thực sự thách thức vai trò của Mỹ trên trường quốc tế trong tương lai gần nhưng sự khác biệt cũng như ngờ vực lẫn nhau giữa 2 quốc gia này chắc chắn sẽ khiến họ không thể hoàn toàn chung sức chung lòng.
Luôn có một giới hạn trong cấu trúc quyền lực, Mỹ đơn giản là mong muốn và không cho phép Trung Quốc phá vỡ cơ cấu quyền lực hiện tại - trong đó, Mỹ là nước chiếm ưu thế.
Do đó, có thể nói, mối quan hệ Mỹ - Trung kiểu mới sẽ là một sự thỏa hiệp trong cấu trúc hình kim tự tháp chứ không phải là sự chia sẻ quyền lực bình đẳng. Và để củng cố thêm sức mạnh cũng như kìm hãm Trung Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản đương nhiên là một lựa chọn tối ưu.
Tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật sẽ không chỉ giúp cho liên minh này ngăn chặn được thách thức tiềm ẩn từ phía Trung Quốc mà còn giúp đảm bảo được vị trí và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Loại “quan hệ nước lớn kiểu mới”, chắc chắn được cả Mỹ và Trung Quốc hoan nghênh trong bối cảnh hiện tại, điều này sẽ giúp hai bên tránh những nhận thức chiến lược sai lầm và khả năng phát sinh xung đột. Mặc dù vậy, nó sẽ chỉ được đánh giá cao trong ngắn hạn, về lâu dài, mối quan hệ này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi.
Theo giới phân tích, sự phụ thuộc ngày càng lớn cũng như cam kết mạnh mẽ hơn giữa các đồng minh cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những cạm bẫy. Trong hoàn cảnh hiện nay, Mỹ nhìn thấy lợi ích cấp bách và thiết thực hơn nếu tăng cường mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và họ đã chọn theo cách đó thay vì tìm kiếm một sự tin tưởng chiến lược ngay lập tức với Trung Quốc.
Giáo sư Brahma Chellaney, một trong những chuyên phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Ấn Độ trong một bài viết được đăng tải trên tờ Japan Times cho rằng: “Nhật Bản sẽ tự nhận ra rằng nước này có thể phải đối mặt với việc ngày càng bị ‘lãng quên’ vì sự phát triển trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Mỹ - Nhật có còn cần đến nhau?
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần công khai thừa nhận, việc một Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn với những vấn đề trong khu vực và một CHDCND Triều Tiên “sáng nắng chiều mưa” là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược an ninh của nước này.
Đó là những gì Nhật Bản công khai trước công chúng, đằng sau tuyên bố đó, theo nhận định của giới phân tích, mối quan tâm khác của nước này đó là có thể đến một ngày nào đó, nước Mỹ không thể hoặc không còn sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản.
Những lo ngại ấy dường như khiến ông Abe có thêm động lực để tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân và hải quân của nước này, cùng với đó là việc nới lỏng các giới hạn của bản Hiến pháp hòa bình - vốn kiềm tỏa khả năng phát động tấn công quân sự của Nhật Bản.
Mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Nhật Bản không dễ bị phá bỏ. Ảnh: Getty Images |
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản nói: “Nếu bạn là một nhà tư tưởng hay một nhà hoạch định chiến lược, bạn phải sẵn sàng cho mọi tình huống”.
Theo vị quan chức này, cũng chính vì lý do đó, Nhật Bản sẽ cố gắng để tìm kiếm lợi ích quốc gia độc lập và để đảm bảo hơn, nước này cũng sẽ khuyến khích Mỹ phải có những động thái nỗ lực hơn nữa để giữ gìn mối quan hệ đồng minh vững chắc và ổn định giữa hai nước.
Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến công du tới một loạt các nước châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 13 - 18-2, nhưng ông không đặt chân tới Nhật Bản.
Trước việc Nhật Bản không nằm trong danh sách những chặng dừng chân của ông đặc biệt là trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Á đang căng thẳng đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ - Nhật đang có vấn đề?
Ngay lập tức bác bỏ những hoài nghi về vấn đề này, giới truyền thông Nhật bản đã trích dẫn nội dung cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington rằng: “Quan hệ Nhật - Mỹ đang rất tốt đẹp, nên không cần phải khôi phục hay gây dựng lòng tin” và đó là lý do ông Kerry không tới Nhật Bản vào thời điểm này.
Yosuke Isozaki, một cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Abe khẳng định: “Liên minh Mỹ - Nhật Bản vẫn là một liên minh quan trọng nhất, và điều đó sẽ không thay đổi”.
Ở chiều ngược lại Washington cũng dùng những lời “có cánh” khi nói về mối quan hệ với đồng minh Nhật Bản, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời Reuters: “Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tăng cường khối liên minh này và duy trì nghĩa vụ của Mỹ trong hiệp ước an ninh ký kết với Nhật Bản”.
Mới đây, hôm 9-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản chống lại cuộc tấn công, bao gồm cả các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước này.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington, ông Kerry đã tái khẳng định, Mỹ sẽ tôn trọng hiệp ước hai nước đã ký hồi năm 1960, trong đó Mỹ cam kết sẽ bảo vệ đồng minh châu Á của mình. Ông Kerry nói: "Điều đó bao gồm cả vấn đề liên quan đến Hoa Đông".
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay xuất phát từ những tranh chấp từ lâu giữa hai nước, trong đó bao gồm các vấn đề mang tính lịch sử, lãnh thổ, kinh tế và chính trị rất phức tạp.
Với tình hình hiện nay trong khu vực, có thể nói, dù Mỹ vẫn mạnh miệng tuyên bố về vai trò điều hòa, điều tiết các mối quan hệ trong khu vực nhưng có thể Mỹ chỉ làm tình hình thêm phức tạp. Trò chơi ba bên trên bàn cờ quyền lực của Mỹ - Trung- Nhật vẫn đang diễn ra và sẽ khó có thể khẳng định là bên nào sẽ giành chiến thắng.
(Theo vov.vn)