Thứ Hai, 17/03/2014, 14:19 (GMT+7)
.

Câu chuyện nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Tháng 6-2012, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chính thức tuyên bố chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc lấy ý tưởng từ đất nước Bhutan, một vương quốc nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các chỉ số như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Và LHQ chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo. Trong ngày này, độ dài của ngày và đêm bằng nhau - biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Bởi vậy, thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc là: cân bằng, hài hòa, là một trong những chìa khóa mang đến hạnh phúc.

Việt Nam là một trong 193 nước thành viên cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng những hành động thiết thực. Thủ tướng Chính phủ nước ta cũng đã phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động hưởng ứng và các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn, diễn đàn, cuộc thi, hội thi, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, các hình thức phù hợp khác về hạnh phúc nói chung, hạnh phúc của người Việt Nam nói riêng, bao gồm hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dòng họ, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc học đường, hạnh phúc trong hoạt động xã hội… sẽ được tổ chức trên toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm”.

Trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014, với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, lần đầu tiên sẽ được Trung uơng Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 20-3-2014.

Là con người, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, mọi thành phần, lứa tuổi, ai cũng mong muốn mình được hạnh phúc. Bác Hồ của chúng ta, khi viết Tuyên ngôn Độc lập, Người đã mở đầu: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Ngay sau Ngày Quốc khánh 2-9-1945 cho đến nay, trong mọi văn bản hành chính dưới Quốc hiệu luôn có tiêu đề là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như một khát vọng lớn lao của dân tộc. Và nhận thức sâu sắc sự gắn liền giữa 3 giá trị lớn này, ngày 17-10-1945, Bác Hồ đã viết thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam DCCH. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Về sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào những năm vô cùng khốc liệt, Bác Hồ đã cảnh cáo đanh thép đế quốc Mỹ: “… khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãi giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”.

Người kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Lời kêu gọi đầy thôi thúc ấy đã góp phần đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào. Từ khi Tổ quốc thống nhất, cùng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thư gửi ngày 17-10-1945 cho chính quyền các cấp cũng luôn nhắc nhở.

Hạnh phúc là một khái niệm có nhiều quan điểm, quan niệm khác nhau, tùy theo nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi cộng đồng người, mỗi người, theo trình độ, sở thích, hoàn cảnh, điều kiện sống… khác nhau.

Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô của mỗi quốc gia, dân tộc, kể cả những cộng đồng dân cư vùng miền khác nhau vẫn có thể có mẫu số chung về nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản giống nhau như mục tiêu chúng ta đang hướng tới “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, làm nền tảng cho hạnh phúc ở tầm vi mô. Cùng với sự phát triển của đất nước, sự hoàn thiện về giáo dục đào tạo…, chúng ta hoàn toàn hoàn có khả năng mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, chúng ta càng vun bồi thêm hạnh phúc.

TRẦN  QUÂN

.
.
.