Thứ Năm, 03/04/2014, 09:34 (GMT+7)
.

Bất ổn Ukraine và bài học với các nước vừa và nhỏ

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Bất ổn chính trị Ukraine đang được cộng đồng quốc tế quan tâm sâu sắc, nhất là sau khi Crimea tách ra khỏi Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Nga.

Ukraine ngày càng rơi sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, Ukraine đã rơi vào thế giằng co Đông - Tây trong 22 năm qua kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991. 

Phóng viên báo điện tử VOV phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

PV: Thưa bà, những nguyên nhân nào khiến Ukraine rơi vào thế giằng co Đông - Tây trong 22 năm qua?

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc: Đúng là nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine này đã bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn phương Đông và phương Tây. Cá nhân tôi từ góc độ của một người làm công tác nghiên cứu thì tôi cho rằng Ukraine đã bị cuốn vào cuộc cạnh tranh này do một số nguyên nhân chủ yếu sau.

Thứ nhất, Ukraine có vị trí địa chiến lược đặc biệt, đất nước này nằm ở cửa ngõ giữa Đông và Tây Âu. Đây là con đường huyết mạch để phương Tây có thể tiến sâu vào không gian hậu Xô viết. Chính vì vậy mà cả Nga và phương Tây đều kiên quyết trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở Ukraine.

Thứ hai, về mặt lịch sử, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến nay, trong nội bộ Ukraine đã có sự mâu thuẫn giữa các lực lượng khác nhau với 2 xu hướng trái ngược nhau. Một là lực lượng thân Nga (ở cộng đồng dân cư ở phía Tây và phía Nam Ukraine), hai là lực lượng thân phương Tây (hầu hết ở các tỉnh phía Tây Ukraine). Như vậy sự giằng co Đông - Tây bao hàm cả khía cạnh bên ngoài và bên trong. Có cả mâu thuẫn Đông - Tây giữa các nước lớn và có cả mâu thuẫn Đông - Tây ngay trong lòng Ukraine.

Thứ ba, và cũng là nhân tố quan trọng nhất đó là do cách quản lý kém hiệu quả của Chính phủ Ukraine dẫn đến những khó khăn về kinh tế nước này.

Chúng ta có thể lấy những số liệu như: tăng trưởng GDP của Ukraine đã giảm chóng mặt từ mức 4,1% vào năm 2010, 5,2% của năm 2011 xuống chỉ còn có 0,2% vào năm 2012, 0% vào năm 2013.

Kinh tế đình trệ, đời sống nhân dân khó khăn đã làm gia tăng sự chia rẽ, bất ổn trong nước. Đây cũng là cơ hội hết sức thuận lợi cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, đẩy Ukraine vào bất ổn chính trị, giằng xé Đông - Tây.

Khủng hoảng Ukraine trong thế giằng co Đông-Tây (Ảnh: AP)
Khủng hoảng Ukraine trong thế giằng co Đông - Tây. Ảnh: AP

Cần nói thêm ở đây rằng, 22 năm chưa phải là một quãng thời gian dài. Sự giằng co giữa Đông và Tây của Ukraine đã và sẽ còn tiếp tục.

PV: Như bà vừa nói ở trên, vấn đề kinh tế suy giảm chính là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến bất ổn chính trị ở Ukraine. Vậy liệu Ukraine có nền kinh tế vững chắc hơn thì sẽ tránh khỏi giằng xé Đông - Tây?

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc: Từ khi diễn biến ở Ukraine xảy ra cho tới nay thì chúng tôi, những người trong giới nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng có lẽ nguyên nhân nội tại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những biến động chính trị ở Ukraine.

Ở vị trí địa chiến lược như hiện tại, chính quyền Kiev cần biết phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội còn đang vướng mắc như là bất bình đẳng hay tham nhũng. Nếu nội lực của Ukraine vững vàng thì họ không cần ở một bên nào cả và các thế lực bên ngoài cũng không có cớ để mà can thiệp. 

Rõ ràng Ukraine cần phải dung hòa được lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích giữa Nga và phương Tây. Thế nhưng mà cụ thể dung hòa như thế nào thì theo quan điểm cá nhân của tôi, Ukraine cần phải là một chiếc cầu nối giữa Nga và phần còn lại châu Âu, cũng như là giữa Nga với các thể chế quốc tế quan trọng ở phương Tây như là EU, NATO hay là OSCE.

Chính quyền và người dân Ukraine không nên biến đất nước mình thành địa bàn cho các bên tranh giành lẫn nhau bởi vì sự tranh giành ấy tất sẽ dẫn đến chia cắt lãnh thổ.

Diễn biến của Ukraine thời gian vừa qua cho thấy rõ rằng bất kỳ động thái nào của chính quyền Kiev dù là ngả theo phương Tây hay ngả về phía Nga cũng làm cho mâu thuẫn bị thổi bùng lên. Vì vậy, Ukraine cần phải có một chính sách hết sức linh hoạt, khéo léo không bị phụ thuộc và phải hết sức tự chủ.

Ukraine hoàn toàn có thể hiện thực hóa những lợi ích của chính mình nếu như họ biết tận dụng những điểm khác biệt của các cường quốc phương Đông và phương Tây.

Khi Ukraine hiểu được những điểm tương đồng, tìm ra được những điểm tương đồng giữa phương Đông và phương Tây thì họ lại càng có lợi hơn nữa. Điều quan trọng nhất ở đây là chính quyền Kiev phải phục vụ cho lợi ích của đất nước và của người dân trước đã chứ không nên chạy theo lợi ích của các thế lực bên ngoài để rồi để chính những thế lực này điều khiển lại. Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu khi quyết định một chính sách đối ngoại nào đấy.

PV: Nhắc lại chuyện Crimea sáp nhập vào Nga, phương Tây cho rằng Nga đã vi phạm luật quốc tế khi sáp nhập Crimea vào Nga chưa được sự cho phép của chính quyền hiện tại Ukraine. Còn Nga cho rằng Nga làm đúng theo luật quốc tế và cũng không sử dụng vũ lực để sáp nhập Crimea mà thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Bà có nhận định như thế nào về ý kiến của 2 bên?

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong vấn đề Ukraine nói chung và vấn đề Crimea nói riêng, các bên đều lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở tham chiếu cho hành động của mình, và biện hộ cho những hành động của mình.

Cả Nga và phương Tây đều dùng luật pháp quốc tế để mà soi chiếu xem tất cả những diễn biến như là việc thành lập chính quyền mới ở Kiev hay là việc Crimea tách ra thành một lãnh thổ độc lập sau đó thì sáp nhập vào liên bang Nga là hợp pháp hay không hợp pháp.

Theo cá nhân tôi, chúng ta không thể xem xét vấn đề đó hợp pháp hay không hợp pháp chỉ trong một trường hợp này.

Theo bài phát biểu của Tổng thống Putin sau khi Crimea sáp nhập vào Nga vào ngày 16-3, trong đó ông cũng chỉ ra rất rõ phương Tây đã tạo ra tiền lệ Kosovo như thế nào và những hành động của Nga phần lớn là áp dụng tiền lệ Kosovo.

Ông Putin cũng dẫn chứng những đoạn trích ở trong các tài liệu như Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Kosovo về việc sáp nhập một lãnh thổ hoàn toàn do quyền biểu quyết của 1 dân tộc.

Tổng thống Putin cũng dẫn chứng rằng việc một lãnh thổ nào đó quyết định thuộc thành phần một đất nước nào đó hay tách ra độc lập hoàn toàn do những người dân sống trong lãnh thổ đó quyết định. Điều này không vi phạm luật pháp quốc gia. Ngay cả trong trường hợp nó có vi phạm luật pháp quốc gia thì nó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Đấy là lập luận của Nga.

Như vậy rõ ràng luật pháp quốc tế đã được diễn giải theo những cách khác nhau, nhằm bảo vệ cho lợi ích cho chính mình.

Việc kí kết sáp nhập Crimea vào Nga là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngoại giao hiện nay (Ảnh: AFP)
Việc ký kết sáp nhập Crimea vào Nga là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngoại giao hiện nay. Ảnh: AFP

Câu hỏi đặt ra ở đây là có lẽ không phải là những diễn biến vừa rồi ở Ukraine có phải là hợp pháp hay không mà là vai trò của luật pháp quốc tế trong tương lai sẽ là như thế nào? Những nước vừa và nhỏ cần làm gì để thích ứng được điều kiện của luật pháp quốc tế trong tương lai?

PV: Từ câu chuyện Ukraine, các nước vừa và nhỏ có thể rút ra những bài học gì?

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc: Từ câu chuyện Ukraine tôi xin nêu ra 5 bài học như sau.

Bài học thứ nhất là các nước vừa và nhỏ cần rút ra rằng mình phải không ngừng tăng cường nội lực. Nội lực ở đây không chỉ bao hàm nội lực kinh tế mà nó còn bao hàm các vấn đề đoàn kết xã hội, vấn đề phát triển trình độ khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, trình độ nhận thức của người dân. Đi đôi với việc tăng cường nội lực là việc giải quyết các vấn đề xã hội, làm sao để giảm những bất bình đẳng chênh lệch giàu nghèo những vấn nạn để không gây bức xúc cho người dân.

Bài học thứ hai ở đây là bài học về độc lập tự chủ trong chính sách đối ngoại và bài học về việc đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Một nước vừa và nhỏ phải làm sao để không bị cuốn vào sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn và không để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

Bài học thứ ba, các nước vừa và nhỏ không thể “Nhất biên đảo” theo một bên hay là nói cách khác là không thể nghiêng sang bên nọ bên kia mà các nước vừa và nhỏ  phải có chính sách đối ngoại hết sức uyển chuyển linh hoạt. Các nước vừa và nhỏ cũng không nên coi một nước lớn chỉ là bạn hay chỉ là thù và phải hiểu rằng mỗi đối tác đều có cơ hội và thách thức. Phải tận dụng cơ hội và giảm bớt thách thức.

Bài học thứ tư, một nước vừa và nhỏ mà có vị trí chiến lược quan trọng thì họ phải làm sao để vị trí chiến lược đó phục vụ lợi ích của mình chứ không phục vụ cho lợi ích các nước lớn. Và làm thế nào với vị trí chiến lược như vậy thì nước vừa và nhỏ đó phải trở thành cầu nối giữa các bên để làm nơi mà các bên có thể đối thoại với nhau.

Bài học thứ năm, ngay cả những nước vừa và nhỏ cũng có thể liên kết với nhau để quan hệ với nhau qua các cơ chế đối thoại đa phương đặc biệt là trong từng khu vực bởi chỉ có cách đó các nước vừa và nhỏ mới có thể hiểu nhau nhiều hơn nữa. Họ hoàn toàn có thể phối hợp với nhau để tránh sự độc tôn của một quốc gia nào đó và tránh sự tranh giành của các nước lớn ảnh hưởng đến hòa bình ổn định khu vực.

**Xin cảm ơn bà.

(Theo vov.vn)

.
.
.