Thứ Tư, 23/04/2014, 11:23 (GMT+7)
.

Festival Huế 2014: Khép lại một mùa lễ hội thành công

Lễ bế mạc Festival Huế 2014 vào tối 20-4, tại công viên cầu Gia Hội, bên bờ sông Hương thơ mộng với hậu cảnh là cầu Trường Tiền rực sáng bởi nghệ thuật sắp đặt lửa của đoàn Carabosse, đã khép lại một mùa lễ hội thành công.

Vùng lễ hội đa màu sắc

Sau 9 ngày đêm toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế náo nức trong bầu không khí lễ hội với rất nhiều những loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, đa sắc màu văn hóa tạo nên diện mạo, sức sống mới của vùng đất Cố đô.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập”, Festival Huế 2014 đã thể hiện đặc trưng của những vùng văn hóa và các thành phố cố đô, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia từ khắp 5 châu lục.

 Sân khấu bế mạc Festival Huế 2014 nằm bên bờ sông Hương thơ mộng…
Sân khấu bế mạc Festival Huế 2014 nằm bên bờ sông Hương thơ mộng…

Festival Huế 2014 có 2.600 nghệ sĩ tham gia biểu diễn; gần 100 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (170 suất diễn) với các lễ hội đầy màu sắc và hơn 50 hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng diễn ra liên tục trong 9 ngày đêm tại 15 sân khấu trên địa bàn thành phố Huế và 10 địa điểm khác nhau ở các huyện, thị xã trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài các chương trình, lễ hội chính, các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế 2014 đã được diễn ra với quy mô, chất lượng cao hơn, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia.

Với một kỳ Festival rực rỡ sắc màu, khắc họa đậm nét một vùng di sản, tạo không khí tưng bừng cho mảnh đất cố đô Huế vốn yên tĩnh nay trở nên sống động hơn, Festival Huế 2014 đã thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự, trong đó có hơn 230.000 lượt khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, tăng 25% so với Festival Huế 2012; hơn 10.000 lượt khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị bảo trợ thông tin và sự tham gia tác nghiệp của đông đảo phóng viên, nhà báo (740 phóng viên đến từ 131 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và 25 phóng viên từ 11 cơ quan nước ngoài), thành công của hoạt động lễ hội, các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2014 đã được nhân lên, được tiếp xúc và lan tỏa đến mọi vùng miền trong nước và quốc tế.

Từ đầu, Ban Tổ chức Festival Huế 2014 đã sớm định hướng xây dựng chương trình lễ hội với không gian mở rộng tới các vùng miền và nhiều đối tượng trên toàn tỉnh nhằm phục vụ đến mọi người dân, kể cả những người không có điều kiện thụ hưởng không khí lễ hội, cũng như khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế và động viên sự tham gia của tất cả người dân trên toàn tỉnh.

Đông đảo công chúng và người dân vui tươi, phấn khởi trong suốt những ngày lễ hội. Cả 9 ngày các sân khấu đều thu hút rất đông khách trong không khí rộng ràng và thích thú thưởng ngoạn.

Sự trình diễn mang tính chuyên nghiệp của các đoàn, nhóm nghệ thuật hay sự ngẫu hứng của những diễn viên quần chúng tuy có khác biệt, nhưng tựu chung đều hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển. Festival Huế 2014 đã khép lại trong không khí giao lưu văn hóa và tình đoàn kết cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Để không chỉ là " Mùa gieo hạt"

Festival Huế 2014 được Ban Tổ chức đánh giá là quy mô nhất, nhiều chương trình nhất, diễn ra trên khắp cả tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hội tụ khoảng 2.600 nghệ sĩ đến từ 37 quốc gia của đủ năm châu lục, với đủ loại hình văn hóa - nghệ thuật, có thể nói “thực đơn” của Festival Huế 2014 rất phong phú, đa dạng. Nhưng cũng vì vậy mà có ý kiến cho rằng chương trình quá nhiều mà chất lượng không đều, thiếu những “món ngon” đặc biệt để tạo ấn tượng mạnh.

Mười bốn năm trước, trong lễ bế mạc Festival Huế lần đầu tiên (năm 2000), ông Serge Degallaix, đại sứ Pháp tại Việt Nam bấy giờ, với tư cách là đối tác chính của sự kiện này, đã phát biểu: “Festival này là mùa gieo hạt, gieo hạt cho nhiều mùa sau!”. Nhưng đến Festival 2014 này là mùa thứ tám, có thể nói là “mùa gieo hạt” nữa không?

Festival Huế là một sự kiện văn hóa – du lịch có quy mô quốc gia, mang tính quốc tế; là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Hay nói rõ hơn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như ban tổ chức lễ hội này đã nhiều lần khẳng định rằng mục tiêu sau cùng của Festival Huế là thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách đến Huế. Vậy đây là kỳ festival thứ 8 rồi còn mục đích kia đã đạt được chưa? Chưa vội bàn về thành công trong việc kích cầu du lịch của Festival Huế, mà cơ bản Thừa Thiên - Huế đã làm gì và có gì để sự kích cầu ấy được duy trì trong cả năm chứ không phải chỉ trong thời gian lễ hội.

Xin đừng quên rằng, Thừa Thiên - Huế hiện nay vẫn chỉ đang tập trung khai thác “nguồn vốn’ sẵn có chứ chưa đầu tư được nhiều cái mới nhằm thu hút du khách. Tỉnh xác định lấy du lịch làm ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến khu cảng, kinh tế Chân Mây – Lăng Cô dù đã gần 10 năm quy hoạch, xây dựng mà nay vẫn còn là một mớ hỗn độn; thậm chí còn làm khổ, làm nghèo hóa người dân vì các ‘siêu dự án treo’, đất sản xuất biến thành đất hoang, để cho cỏ cây mọc um tùm. Vậy du khách họ đến đó xem cái gì, du lịch cái gì và nghỉ ở đâu.

Trả lời tại buổi họp báo tổng kết Festival Huế 2014, Ban Tổ chức cho biết hiện nay, Huế có hơn 11.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ. Song phần lớn là phòng có chất lượng hạng thấp. Đây có phải là một bài toán? Nhiều du khách đến Huế khi được hỏi, có ấn tượng gì không, đa số đều trả lời là ở Huế chẳng có gì để chơi ngoài đi thăm thú lăng tẩm, chùa chiền. Một thành phố du lịch mà hình thức du lịch còn đơn điệu như vậy thì dù có tiềm năng đấy rồi cũng sẽ cạn kiệt;cạn kiệt ở đây chính là cạn kiệt nguồn khách….

Đã xây dựng được thương hiệu cho Festival, xây dựng thành phố Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam thì cũng phải có cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xứng tầm. Festival Huế kỳ sau luôn được làm mới, có quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn kỳ trước, để không chỉ là ' Mùa gieo hạt".

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.