Nêu cao chính nghĩa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
Khẳng định lập trường chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình; thể hiện sự nhất trí, đồng lòng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là nội dung xuyên suốt của hoàn bộ hoạt động đối ngoại trong tháng 5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cùng nhiều tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân đân đã có nhiều hành động, việc làm khẳng định lập trường chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình, thể hiện nhất trí, đồng lòng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Nêu rõ chính nghĩa của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương...
Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) tại Manila, Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những phát biểu quan trọng, thẳng thắn lên án hành động ngang ngược, khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong các bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh “Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Thủ tướng khẳng định rõ ràng quan điểm của Việt Nam là “kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo rộng rãi cho cộng đồng quốc tế thấy bản chất của tình hình căng thẳng Biển Đông, trong đó Trung Quốc là bên xâm phạm trắng trợn, còn Việt Nam đang tiến hành những hoạt động chính nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.
Thủ tướng khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của phía Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La 2014. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải, Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh CICA nêu rõ, các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch nước khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 tại Tokyo, Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã phát biểu nêu rõ hành vi sai trái của phía Trung Quốc, và khẳng định Việt Nam kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định lại chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam, đồng thời đòi Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho lưu hành công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngày 9-5, Liên Hợp Quốc cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta.
... trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương
Ngoài việc lên tiếng tại các diễn đàn đa phương, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta còn có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo và giới chức nhiều nước và tổ chức quốc tế nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông đồng thời kêu gọi các nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên lề WEF Đông Á 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino đã cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông. Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên.
Tại Hội nghị tương lai châu Á, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn Nhật Bản và Singapore đã sớm lên tiếng ủng hộ lập trường chính đáng và hợp pháp của Việt Nam trước việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản và Singapore bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên Biển Đông, khẳng định quan điểm phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế không để xảy ra xung đột ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và tuân thủ luật pháp và ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ngoài ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh còn có các cuộc điện đàm với các Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton, thông báo những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước trên đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến gần đây tại Biển Đông và đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cũng trong thời gian này, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn. Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Bộ trưởng Quách Thanh Côn báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc chỉ đạo rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam, tại các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin bày tỏ sự bất bình, sự quan ngại sâu sắc trước hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc; cho rằng hành động của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); gây bất ổn tình hình và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; đề nghị việc giải quyết các tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ông Cardin nhấn mạnh Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ những biện pháp giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình của Việt Nam.
... và trên truyền thông quốc tế
Bên cạnh các kênh song phương và đa phương, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng đã trực tiếp thông tin cho báo chí quốc tế về tình hình Biển Đông và chủ trương của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của Hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) tại Manila về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Bất chấp thiện chí hòa bình, đối thoại của Việt Nam, Trung Quốc đã không những ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, mà còn “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.
Thủ tướng nhấn mạnh,Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Ngày 30-5, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm và vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này”.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng đã trả lời phỏng vấn hãng tin CNN trong chương trình “Dòng Sự kiện” (News Stream) của biên tập viên Kristie Lu Stout.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nêu rõ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là vi phạm luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được.
“Việt Nam cực lực phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định.
Ngày 28-5, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh CNN được phát sóng trên toàn cầu, bác bỏ những luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc về vấn đề giàn khoan: “Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được".
“Chúng tôi không chấp nhận sự cưỡng ép, chúng tôi không chấp nhận sự đe dọa. Và khi vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trở thành mối lo ngại, người dân Việt Nam rất quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.
Cũng trong tháng 5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức 4 cuộc họp báo quốc tế nhằm thông báo cho dư luận và cộng đồng quốc tế những thông tin liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981, nêu rõ hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc.
Cách thức phản đối và đấu tranh kiên quyết có tình, có lý và tôn trọng luật pháp quốc tế mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đang áp dụng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
(Theo chinhphu.vn)