Yêu cầu "bốn không" phi lý của Trung Quốc
Những người tôn trọng sự thật lịch sử và yêu chuộng hòa bình chờ đợi một động thái tích cực từ Trung Quốc qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, nhưng cuối cùng, vẫn không được như kỳ vọng.
Chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và quốc tế. Những người tôn trọng sự thật lịch sử và yêu chuộng hòa bình chờ đợi một động thái tích cực từ Trung Quốc qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, nhưng cuối cùng, vẫn không được như kỳ vọng. Điều rõ ràng nhất là không có tuyên bố rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam từ chính ông Dương Khiết Trì.
Không những thế, báo chí Trung Quốc đã xuyên tạc về thông tin cuộc gặp của hai bên. Điển hình là Tân Hoa xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, còn có bài đưa ra những yêu cầu phi lý đối với Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, nội dung “4 không” gồm: Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; không được phá bỏ mối quan hệ Việt-Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Rõ ràng là Trung Quốc vẫn không hề có sự thay đổi nào sau khi dư luận quốc tế đồng loạt lên án hành vi gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu, kể cả tàu chiến, vào vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 vừa qua.
Sự thiếu thiện chí của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ, trong khi ông Dương Khiết Trì đang ở Việt Nam tham dự cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung và trao đổi vấn đề ''dầu sôi lửa bỏng'' ở Biển Đông, thì Trung Quốc tiếp tục di chuyển thêm một giàn khoan trên Biển Đông.
Còn Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Mã Chấn Cương lại đổi trắng thay đen khi phát biểu tại “Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ ba”, do Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh chủ trì, mà Trung Quốc muốn thông qua diễn đàn này để tăng cường sức mạnh ngoại giao nhân dân, hôm 21-6 rằng: Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hầu như đồng thời lần lượt “tranh chấp” với Trung Quốc trong vấn đề “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Biển Đông, đảo Senkaku. Theo đó Mã Chấn Cương cho rằng, điều này rất khó tin là “kẻ xúi giục đằng sau không phải là Mỹ”, mà điều này “thể hiện rõ hơn sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4-2014”.
Trên thực tế, các hành động cướp biển, khủng bố, thực dân… trên Biển Đông mà Trung Quốc đang làm đối với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines lại là một hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng, xâm phạm nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.
Nhưng chính tại diễn đàn này, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley đã trực tiếp lên tiếng phê phán Trung Quốc, cho rằng: “Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đương nhiên sẽ nghi ngờ ý đồ muốn xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc đưa ra giải thích của mình”. Ông Stephen Hadley tuyên bố: Người nào nói “Mỹ đang cùng các nước láng giềng của Trung Quốc gây phiền phức cho Trung Quốc là có ý đồ (đen tối)”.
Các bài học lịch sử cho thấy, phải biết lắng nghe những gì ẩn đằng sau những lời Trung Quốc nói, đừng cả tin, đừng mơ hồ, hãy lắng nghe một cách có hiểu biết và hãy nhìn vào những hành động thực tế của Trung Quốc để biết và ứng xử cho đúng với Trung Quốc.
(Theo chinhphu.vn)