Thứ Ba, 12/08/2014, 07:51 (GMT+7)
.

Khẩn cấp phòng, chống dịch Ebola - Việc không của riêng ai!

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở các nước Tây Phi, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. WHO cũng đã tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, cần được cộng đồng quốc tế quan tâm và ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Dịch bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tiên cách đây gần 40 năm tại Châu Phi, nay tái bùng phát tại 4 quốc gia Tây Phi từ tháng 3. Nói Ebola đe dọa thế giới bởi cứ 100 người nhiễm bệnh (dương tính với virus Ebola) thì có khoảng 90 người tử vong. Hiện Ebola đang thể hiện sự tàn phá dữ dội nhất trong số hàng chục đợt dịch Ebola bùng phát ở Đông và Trung Phi kể từ năm 1976.

 Lãnh đạo Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội kiểm tra tại sân bay Nội Bài.
Lãnh đạo Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội kiểm tra tại sân bay Nội Bài.

WHO đã ghi nhận 1.711 trường hợp mắc, 932 tử vong do vi rút Ebola. Cuối tuần trước, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh này, cho thấy Ebola đã vượt tầm kiểm soát của một số nước Tây Phi và cần phải có biện pháp tầm soát trên diện rộng cũng như kiểm soát và đưa ra khuyến cáo liên quan đến việc đi lại của hành khách đến - đi khỏi khu vực này.

Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Hiện, việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Ebola trên thế giới, ngày 9-8, Chính phủ đã triệu tập phiên họp khẩn cấp để bàn giải pháp cho vấn đề liên quan Ebola. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, bằng mọi biện pháp cần thiết nhằm đạt yêu cầu cao nhất là ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào Việt Nam; đồng thời chủ động các phương án, kế hoạch phòng chống, dập dịch trong trường hợp dịch bệnh được phát hiện và có nguy cơ lây lan trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để nắm chắc diễn biến dịch bệnh; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam.

Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an phối hợp thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ và đường biển quốc tế; đồng thời Bộ Ngoại giao có khuyến cáo phù hợp về hạn chế công dân Việt Nam đi làm việc, du lịch tại các nước có dịch hoặc nguy cơ cao về dịch bệnh.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch, hướng dẫn về mặt chuyên môn, hậu cần nhằm chủ động dập dịch trong trường hợp bệnh dịch được phát hiện và lây lan trong nội địa. Ngay sau phiên họp khẩn cấp sáng 9-8, chiều 9-8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Ebola.

Ngay sau đó, ngày 10-8, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola. Theo hướng dẫn này, thời gian ủ bệnh Ebola trung bình là 2 - 21 ngày. Các triệu chứng thường gặp gồm sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban. Ngoài ra, bệnh kèm theo các biểu hiện xuất huyết như đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo...

Ngày 11-8, Bộ Y tế chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế, kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, chủ động lên kế hoạch giám sát, phát hiện bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, kể cả phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lây lan vào Việt Nam….

Hiện một số bộ, ngành và các tỉnh như Tổng Cục Du lịch, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng đã có các khuyến cáo cũng như kế hoạch cụ thể để phòng, chống dịch…

Trước diễn biến phức tạp của dịch Ebola tại Tây Phi, tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh của WHO, những hành động của các Quốc gia trên thế giới và Việt Nam cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Điều này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan nhận thức đầy đủ và có các hành động phù hợp để phòng chống dịch bệnh.

Trong đó, các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân biết về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp ứng phó, cách thức phòng tránh để người dân chủ động tự phòng tránh, tự bảo vệ; đồng thời cũng không tạo tâm lý chủ quan trước dịch bệnh cũng như không gây hoang mang, lo lắng không cần thiết… Chúng ta phải xác định khẩn cấp phòng, chống dịch Ebola và coi đó là việc không của riêng ai!

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.