9 tháng năm nay: Tăng trưởng cao, lạm phát thấp
Qua 9 tháng của năm 2014 các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng GDP sản xuất (cung) so với GDP tiêu dùng cuối cùng (cầu) vẫn trạng thái cầu thấp hơn cung với các chỉ số tương ứng 5,62% và 5,12%.
Trong quan hệ buôn bán hàng hoá với nước ngoài của Việt Nam, thặng dư thương mại, cộng với lượng ngoại tệ từ các nguồn đạt khá, góp phần đưa dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt kỷ lục mới (35 tỷ USD), tăng khả năng thanh khoản, an toàn tài chính, ổn định tỷ giá, hạn chế tình trạng đô la hoá...
Nguồn: Tổng cục Thống kê; (1) Bội chi ngân sách tính đến 15-9, GDP là số 9 tháng (nếu ước tính cho cả 9 tháng thì tỷ lệ so với GDP ước khoảng 4,9%) |
Tính đến 15/9, thực hiện dự toán cả năm của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi ngân sách (tương ứng đạt 76,3% so với 71,7%) nên tỷ lệ bội chi thấp hơn (hiện ở mức 4,9%) khả năng cả năm có thể đạt thấp hơn dự toán.
Lạm phát được kiềm chế, khi CPI 9 tháng tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 11 năm qua, là tín hiệu khả quan để cả năm chỉ tăng khoảng 4%, thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (7%) và có thể tăng thấp nhất so với các năm từ 2004 đến nay.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, với xu hướng cao lên của cả 3 nhóm ngành.
Nông, lâm nghiệp-thủy sản 9 tháng tăng 3%, nếu giữ được tốc độ này thì cả năm sẽ tăng với tốc độ cao hơn 2 năm trước (năm 2012 tăng 2,68%, năm 2013 tăng 2,67%).
Công nghiệp-xây dựng đạt 6,42%, cao nhất trong 3 nhóm ngành.
Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất cũng cao hơn tốc độ tăng chung (5,99%). Đáng chú ý, năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ cao gấp gần 1,4 lần năng suất lao động chung và cao gấp gần 3,5 lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản.
Đáng chú ý, tăng trưởng cao hơn đạt được trong điều kiện lạm phát được kiềm chế thấp hơn cùng kỳ năm trước, một điều ít thấy do cặp chỉ tiêu này thường có chiều hướng biến động ngược nhau.
Kết quả trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP tuy có cao hơn năm trước và cao hơn kế hoạch, nhưng vẫn còn thấp xa so với thời kỳ 2006-2010.
Việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP là phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động sang dựa vào nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động; nhưng nếu giảm đột ngột quá thì làm cho tổng cầu co lại gây ra hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi kinh tế hiện còn những hạn chế bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Các cân đối kinh tế vĩ mô mới được ổn định còn ở mức thấp và chưa thật vững chắc. Quan hệ cung-cầu được cải thiện, xuất siêu, lạm phát thấp không hoàn toàn do cung tăng cao, cũng không phải do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động tăng cao, mà có một phần quan trọng do tổng cầu vẫn bị co lại, tăng trưởng tín dụng quá thấp…
Xuất khẩu vẫn còn mang nặng tính gia công lắp ráp và chủ yếu do khu vực FDI tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn. Xuất siêu do khu vực FDI; do nhập khẩu tăng chậm lại khi tổng cầu chưa phục hồi, còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn.
Do phải tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; do hiệu ứng phụ của các giải pháp thực hiện, nên việc thực hiện các mục tiêu cơ bản, quan trọng về tái cơ cấu nền kinh tế, 3 đột phá chiến lược còn nhiều việc phải đẩy mạnh.
(Theo chinhphu.vn)