1 tỷ USD & những điều suy ngẫm
Có lẽ thông tin đáng chú ý nhất của tình hình kinh tế tỉnh nhà là con số kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh đạt được 1,056 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng 39% (tương đương tăng 296 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2013 và đạt trên 90% kế hoạch năm 2014.
Giá trị KNXK đáng được chú ý bởi lẽ theo nhận định chung năm 2014 vẫn còn không ít khó khăn: kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, tăng trưởng kinh tế còn thấp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết, sức mua thị trường trong nước còn thấp, số doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều…
Công nhân Công ty cổ phần May Tiền Tiến trong giờ lao động. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Trước bức tranh chung như thế, giá trị KNXK của tỉnh đã tăng và tăng ở mức rất cao. Với mức tăng trưởng cao như thế, không khó dự báo là KNXK của tỉnh sẽ chắc chắn đạt được kế hoạch năm và rất có khả năng đạt được mục tiêu mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu vào đầu quý 2-2014 do UBND tỉnh tổ chức là hướng đến 1,3 tỷ USD xuất khẩu của cả năm. Với con số xuất khẩu đạt được, Tiền Giang trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành có KNXK cao nhất của cả nước. Đó cũng là thông tin đáng mừng.
Thế nhưng, nếu bóc tách theo từng lát cắt cụ thể, con số về giá trị xuất khẩu của tỉnh cũng để lại những điều đáng được suy ngẫm. Bởi theo như phân tích của Sở Công thương, trong hơn 1 tỷ USD KNXN toàn tỉnh đạt được đến thời điểm hiện nay, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế, với trên 52%, còn lại là do các DN có vốn đầu tư trong nước.
Đáng chú ý là các mặt hàng túi xách, may mặc, ống đồng và giày các loại. Theo đó, hàng may mặc các loại đã mang về 215 triệu USD, tăng đến 59% về giá trị; giày các loại 195 triệu USD, tăng trên 46%; túi xách đạt trên 168 triệu USD, tăng gấp 2 lần về giá trị và ống đồng đạt trên 123 triệu USD, tăng gần 35% về giá trị.
Đây là các nhóm hàng do các DN có vốn đầu tư nước ngoài mới đầu tư vào địa bàn Tiền Giang những năm gần đây, tập trung chủ yếu ở KCN Long Giang và KCN Tân Hương. Điều này phần nào cho thấy sự mất cân đối về nội lực và sự chênh lệch hiệu quả đích thực mà tỉnh được hưởng.
Còn ở lát cắt khác, điểm đáng chú ý là thủy sản chế biến xuất khẩu vẫn giữ vị trí thứ nhất trong tổng KNXK, với sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 110.000 tấn, trị giá mang về 234 triệu USD, tăng 18% về lượng và 20% về trị giá.
Đây cũng là điều đáng mừng, bởi thủy sản là một trong những sản phẩm chủ lực và có nhiều lợi thế của tỉnh. Nhưng suy cho cùng, theo như đánh giá của những người trong ngành cũng gợi lên những điều cần phải suy nghĩ.
Khi đề cập đến việc tăng trưởng mạnh của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trong điều kiện thị trường trong và ngoài nước còn diễn biến rất phức tạp, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (KCN Mỹ Tho) phân tích thêm, thực tế là sự tăng lên về lượng và giá trị của ngành Thủy sản xuất khẩu là do tăng lên về quy mô sản xuất của các nhà máy chế biến, do đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô hiện có chứ không phải tăng lên nhờ sản phẩm giá trị gia tăng.
“Đối với cá tra, mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ngành Thủy sản Tiền Giang, các DN cứ loay hoay với sản phẩm cá fillet hay cắt khúc và xuất khẩu thô, chứ chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Cứ như vậy, DN xuất khẩu cũng chẳng mang về lợi nhuận bao nhiêu do giá xuất khẩu ngày càng thấp” - ông Nguyễn Văn Đạo tâm tư như thế.
Dẫu biết thực tế là vậy, nhưng muốn mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành Thủy sản xuất khẩu là cả một câu chuyện dài và không đơn giản đối với mỗi DN trong tình hình khó khăn như hiện nay. Và không riêng gì thủy sản, các mặt hàng nông sản khác như gạo, trái cây… cũng đã và đang xuất khẩu theo dạng thô chiếm tỷ trọng rất lớn.
Trong khi hơn một nửa KNXK lại thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài, với rất nhiều lợi thế hơn DN có vốn đầu tư trong nước. Và như vậy, trong hơn 1 tỷ USD KNXK mà tỉnh đạt được trong năm 2014 và những năm tiếp theo cũng gợi lên những điều đáng suy ngẫm.
PHƯƠNG ANH