60 năm giải phóng Thủ đô: Vượt qua thách thức, vững bước đi lên
Trong những ngày Hà Nội kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, một lần nữa những trang sử hào hùng về sự nghiệp đấu tranh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của quân và dân Hà Nội được làm sống lại. Dịp kỷ niệm 60 năm cũng nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục nỗ lực, vượt qua thách thức để xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Sức vươn sau 60 năm giải phóng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, Hà Nội được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975).
Chỉ sau 10 năm (1954 - 1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Thời kỳ này, Hà Nội là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng đi vào lịch sử như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”…
Một góc Hà Nội lung linh trong đêm. Ảnh: TTXVN |
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sâu sắc của 60 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình với nhiều thành tựu khởi sắc.
Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn đã bằng 2,5 lần so với trước đó. Hiện GDP Hà Nội chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội là một trong đơn vị đi đầu thực hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Thành phố còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt; triển khai đề án “Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của Thành phố giai đoạn 2010 - 2015” và 500 công chức nguồn của Thành ủy, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của Thủ đô…
Tình hình an ninh chính trị Thủ đô luôn ổn định, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, trật tự an toàn được giữ vững. Quản lý đô thị, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh hiện đại. Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.486 cơ sở giáo dục, tăng 4 lần so với năm học 1986 - 1987 với nhiều trường Đại học, các học viện, viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước.
Hà Nội là nơi tập trung chủ yếu của đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - kỹ thuật của cả nước. Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6-2013, Hà Nội có 133 xã, phường được công nhận chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng xã, phường đạt chuẩn lên 98,78%.
Thành phố tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động. Mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực, hằng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5 - 2%, đến năm 2013, thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, đến nay, Hà Nội chỉ còn 2,35% hộ nghèo.
Ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã tập trung rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đã ban hành của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Để tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị làm việc vào ngày thứ 7 và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước
Đáng chú ý, mối quan hệ, mối liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng và tăng cường. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu không ngừng được nâng cao.
Hà Nội đã và đang có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: TH |
Với những thành tích đạt được, trong những ngày Hà Nội tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định rằng:
“60 năm qua, quân và dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ, đã lập nên những chiến công vang dội, nhiều thành thành tựu đáng tự hào; là niềm tin yêu và hy vọng nhân dân cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao Vàng; năm nay được nhón nhận Huân chương Hồ Chí Minh”.
Và những thách thức phải vượt qua
Có thể nói, Hà Nội có một hành trình dài, từ lúc hình thành kinh đô Thăng Long, tới Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 và quá trình hội nhập với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của 60 năm qua. Suốt hành trình này, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn có những đóng góp to lớn cho đất nước, cũng như luôn chứng minh được vị trí đầu tàu của mình.
Cùng với cả nước, Hà Nội đón nhận những vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Có những vấn đề khách quan, có những vấn đề chủ quan xuất phát từ chính những mất cân đối có lúc trở thành nghiêm trọng trong quá trình phát triển như các vấn đề về giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực… Do vị thế là Thủ đô nên mỗi chủ trương, chính sách của thành phố cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội cả nước.
Trong khi đó, sau khi mở rộng địa giới hành chính, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa bàn không đồng đều, cơ cấu kinh tế và hệ thống quản lý giữa các địa phương cũng chưa ăn khớp nhịp nhàng, nên chưa thể phát huy ngay những tiềm năng và lợi thế do việc mở rộng địa giới mang lại. Hà Nội cũng chịu các tác động mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như:
Tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế, hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trên lĩnh vực văn hóa, đời sống tinh thần có một số mặt xuống cấp; nhiều tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập.
Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đây đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân.…
Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng vươn lên để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế mà Hiến pháp, Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định:
“Phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Để hoàn thành được nhiệm vụ trên, Đảng bộ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch và có lộ trình cụ thể, xác định rõ hai khâu đột phá chiến lược: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp.
Khâu đột phá thứ hai là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là tập trung vào các biện pháp quản lý để đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị như: ùn tắc giao thông, úng ngập, vấn đề môi trường, đồng thời cải tạo những khu vực vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí hiện đại đáp ứng yêu cầu của đời sống…
Tại hội thảo “60 năm giải phóng Thủ đô – thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế đã “hiến kế” để Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong tương lai. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc Hà Nội phải đi vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, ở trình độ hiện đại.
Đặc biệt, phải bằng mọi cách khai thác, sử dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm lực trí tuệ của Thủ đô, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học có cơ hội cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Cùng với đó phải chuyển hướng chiến lược từ phát triển dựa chủ yếu vào tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, năng lực trí tuệ của con người...
Với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thủ đô, với tiềm năng, lợi thế lớn và những những tiền đề quan trọng đã đạt được, chúng ta tin chắc rằng Hà Nội sẽ tiếp tục một chặng đường mới trong xây dựng và phát triển Thủ đô sánh vai các các Thủ đô và đô thị hiện đại trên khắp thế giới.
(Theo dangcongsan.vn)