Thứ Bảy, 11/10/2014, 09:16 (GMT+7)
.

Đừng quên trách nhiệm xã hội

Chưa bao giờ vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (DN) được khẳng định như hiện nay, cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều DN mới, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên địa bàn tỉnh, với nhiều cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư mới.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, tài chính tín dụng cũng được Trung ương và tỉnh thực hiện quyết liệt nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, gần đây nhất là Nghị quyết 63 của Chính phủ và Thông tư 119 của Bộ Tài chính về những giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sự phát triển của DN cũng được triển khai thực hiện.

Từ những gói hỗ trợ như thế đã giúp DN phần nào vượt qua khủng hoảng, nhất là từ đầu năm 2014 đến nay, thông qua các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận từng bước được cải thiện ở nhiều nhóm ngành.

Phần lớn lao động trong ngành chế biến lúa gạo tại các doanh nghiệp tư nhân không được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ bảo hiểm. Ảnh; Vân Anh
Phần lớn lao động trong ngành chế biến lúa gạo tại các doanh nghiệp tư nhân không được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ bảo hiểm. Ảnh; Vân Anh

Song, theo đánh giá của các chuyên gia, muốn phát triển bền vững, nền kinh tế nói chung, của các DN nói riêng cũng cần được dựa trên nền tảng vững chắc. Đó là bên cạnh đạt được các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh (SXKD) của mỗi đơn vị, còn phải song hành với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng.

Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, một DN có doanh thu, lợi nhuận tăng cao nhưng ô nhiễm môi trường tràn lan, nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng gia tăng, người lao động còn sống trong cảnh chật vật… thì chưa thể gọi là bền vững được.

Đặt ra vấn đề này, khi thực tiễn đang chỉ ra rằng, bên cạnh đa số DN thực hiện tốt các chỉ tiêu SXKD cũng như trách nhiệm cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, cũng có không ít DN đang cố tình phớt lờ trách nhiệm của mình.

Thực tế đã chứng minh điều này. Chẳng hạn, theo ngành Thuế đến cuối tháng 9, con số nợ đọng thuế cũng xấp xỉ 300 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả nợ khó thu của các đối tượng mất tích, đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chấm dứt hoạt động SXKD, tự ý ngừng hoạt động không làm thủ tục, phá sản, giải thể và nợ có khả năng thu.

Còn ở nhóm BHXH, BHYT, theo số liệu quyết toán thu đến quý II-2014 của Bảo hiểm xã hội tỉnh, số nợ BHXH, BHYT toàn tỉnh trên 51 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với tổng số phải thu cả năm. Điểm đáng chú ý là có 45 đơn vị ngừng hoạt động, không còn giao dịch hoặc không còn quan hệ với BHXH, với số tiền còn nợ 4,8 tỷ đồng.

Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng nợ thuế và nợ BHXH, BHYT. Chẳng hạn, đối với DN là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh chế biến lương thực, thủy sản; nhiều DN làm ăn kém hiệu quả, sản xuất xong không bán được sản phẩm, không thu hồi được nợ của khách hàng; chậm thanh toán dẫn đến hoạt động cầm chừng, khó khăn về tài chính.

Nhiều đơn vị bị giải thể, phá sản, DN tạm ngừng hoạt động do bị rút giấy phép kinh doanh; DN làm ăn thua lỗ bị ngân hàng siết nợ, phát mãi tài sản nên không có khả năng trả nợ… Tuy nhiên, cũng có một số điểm tương đồng là 1 bộ phận DN chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, có biểu hiện trốn đóng, chấp nhận mức xử phạt hành chính hoặc bị tính lãi chậm nộp để chiếm dụng tiền đóng thuế, BHXH, BHYT để bổ sung vốn vào SXKD.

Để có danh sách DN Tiền Giang tiêu biểu năm 2014 trao tặng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Hội đồng xét duyệt của UBND tỉnh dựa trên những đề cử của Hiệp hội Doanh nghiệp và Ban Quản lý các khu công nghiệp, đã đánh giá, lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét duyệt DN, doanh nhân Tiền Giang tiêu biểu cũng đã “gác lại” không ít trường hợp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có một số nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm xã hội của DN, chẳng hạn như: Chưa đóng BHXH cho người lao động, vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm tài nguyên nước, không ký hợp đồng lao động…

Chưa kể là những vi phạm trong việc SXKD hàng gian, hàng giả cũng ngày càng tinh vi và phức tạp. Thiết nghĩ, việc không khen thưởng các DN thuộc các nhóm vi phạm nêu trên là điều đương nhiên và hợp lý. Bởi hoạt động của DN không chỉ có mục tiêu doanh thu, lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm đối với Nhà nước, xã hội và người lao động.

Dẫu biết rằng hoạt động của các DN trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, cả trong nước và thế giới, cũng như tác động từ nội tại của chính bản thân DN. Việc cầm cự, ổn định SXKD, vượt qua khó khăn là điều không dễ.

Thực tế đã cho thấy, trong thời gian qua không ít DN đã “rơi rụng” do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì lẽ đó, việc nợ thuế hay các khoản khác cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng không vì thế mà DN cố tình quên đi trách nhiệm của chính mình.

THẾ ANH

.
.
.