Nghị định 36 và câu chuyện nội tại của ngành Thủy sản xuất khẩu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36, có hiệu lực từ ngày 20-6, về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã đón nhận nhiều luồng dư luận khác nhau, kể cả phản ứng từ các doanh nghiệp (DN) trong ngành và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bởi Nghị định 36 có những quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Nghị định 36 sẽ giúp chấn chỉnh những tồn tại trong việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. |
Ở phương diện nào đó, một số DN xuất khẩu sản phẩm cá tra phản ứng và đề nghị lùi thời hạn thực hiện Nghị định 36 cũng có lý của họ. Bởi trong Nghị định 36 có một số điều khoản quy định làm cho các DN xuất khẩu băn khoăn và đề nghị phải điều chỉnh.
Tại buổi gặp gỡ giữa DN xuất khẩu thủy sản với UBND tỉnh gần đây, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền cùng nhiều DN cùng ngành khác, đã chỉ ra một số điểm bất cập, chẳng hạn: Quy định tỷ lệ mạ băng, quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%, quy định về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra… Nếu thực hiện các điều khoản này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra, nhất là trong giai đoạn các DN chịu không ít áp lực do những biến động của thị trường.
Song ở phương diện khác, cái gốc của vấn đề là nằm ở chỗ, Nghị định 36 của Chính phủ muốn lặp lại “trật tự” của ngành Thủy sản xuất khẩu nói chung và của sản phẩm cá tra nói riêng. Bởi trong một thời gian dài bản thân nội tại của nhóm ngành này còn rất nhiều lộn xộn.
Có lẽ sản phẩm cá tra xuất khẩu là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và dường như mang tính độc quyền, đã xuất sang gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng thực tế cho thấy, sản phẩm cá tra ngày càng bị “méo mó” dần, trong khi việc nuôi, chế biến còn nhiều việc phải bàn cãi.
Đồng tình với nhận định này, giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn ở Khu công nghiệp Mỹ Tho đã nói thật rằng, mấy năm gần đây về mặt chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu đang có “vấn đề”, do cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN và do quản lý của Nhà nước chưa chặt chẽ.
Thực tế là sản phẩm thô 2 miếng fillet, hoặc cá tra nguyên con có giá trị ngày càng giảm. Có một thời, giá cá tra xuất khẩu đạt gần 4 USD/kg nhưng hiện nay chỉ còn phân nửa. Cả yếu tố vĩ mô, thị trường và tại chính các DN trong ngành đã tạo ra bức tranh của con cá tra trở nên màu xám giống như hiện nay. Vấn đề đầu tiên là ở quản lý Nhà nước.
Có một thời, ngân hàng đổ xô cho vay, DN cùng ngành ồ ạt ra đời nhưng thiếu quy hoạch định hướng. Ở phía người nuôi, ai cũng có thể đào ao nuôi cá, đẩy sản lượng tăng đột biến nhưng sức tiêu thụ của thị trường có giới hạn.
Chỉ chưa đầy 10 năm mà giá trị xuất khẩu loại thủy sản này đã chạm đến 2 tỷ USD. Do đó, đến một lúc nào đó sẽ “vỡ trận”, người nuôi thua lỗ, DN gặp khó khăn. Khi mà ở tầm vĩ mô, Nhà nước xiết tín dụng để chống lạm phát, các DN có số nợ vay lớn không quay được vòng vốn dẫn đến tình trạng “rơi rụng” nhiều, nhất là trong giai đoạn 3 năm gần đây. “Khi ở giai đoạn khó khăn, một bộ phận DN cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá bán để giành khách.
Khi giá bán hạ dưới giá thành sản xuất buộc lòng phải hạ chất lượng sản phẩm. Còn đối với các đối tác, chỗ nào sản phẩm có giá rẻ hơn thì mua, buộc lòng các DN trong nhóm còn lại phải đi theo con đường lòng vòng như thế. Vòng luẩn quẩn cứ xoay vòng đối với con cá tra thời gian qua. Cho nên ban đầu chỉ số ít DN dần lan rộng lên số đông làm cho hình ảnh con cá tra xám đi là như thế” - Vị giám đốc này phân tích thêm.
Ở những khía cạnh hẹp như thế cũng đủ tìm ra lời giải cho những tồn tại của ngành hàng thủy sản xuất khẩu nói chung và con cá tra nói riêng. Để chấn chỉnh lại nhóm ngành hàng có rất nhiều lợi thế trong xuất khẩu này, Nghị định 36 ra đời và đưa vào triển khai thực hiện là kịp thời và hợp lý.
Thông tư 23 ngày 29-7 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ cũng đã có hiệu lực từ ngày 12-9. Đây là những điều kiện quan trọng để giúp ngành Thủy sản phát triển nhanh và bền vững.
THẾ ANH