Thứ Sáu, 31/10/2014, 14:34 (GMT+7)
.

Thương nhân nước ngoài mua nông, thủy sản và câu chuyện của ngành Nông nghiệp

Thương nhân nước ngoài trực tiếp thu mua nông sản, thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng không còn là câu chuyện lạ và mới. Bởi thực tế cho thấy rằng, từ câu chuyện thu mua tôm ở Cà Mau, khoai lang ở Vĩnh Long, sầu riêng ở Tiền Giang và một số loại nông sản, thủy sản ở các tỉnh, thành khác trong vùng cho thấy hoạt động thu mua trực tiếp tại nơi sản xuất của thương nhân nước ngoài ngày càng phổ biến và có phần phức tạp.

Xét ở khía cạnh nào đó, việc thu mua của thương nhân nước ngoài cũng sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn và năng động hơn, nâng cao được tính cạnh tranh hơn giữa các doanh nghiệp (DN) thu mua cùng ngành. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc thương nhân nước ngoài đến mua trực tiếp hàng hóa tại nơi sản xuất sẽ không còn là câu chuyện lạ.

Nếu xét ở khía cạnh này, người sản xuất có lợi vì dễ bán và bán được giá cao. Song cái chính là việc mua bán này không được làm “méo mó” thị trường và phải chấp hành đúng quy định của pháp luật. Nhưng thực tế đôi khi lại là câu chuyện khác, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người sản xuất cũng như DN trong nước.

Cần thay đổi tư duy trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản.
Cần thay đổi tư duy trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Cũng chính vì thực tế phức tạp như thế, để quản lý các hoạt động thu mua nông sản, thủy sản của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa làm căn cứ để chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát và xử lý như:

Nghị định 187 ngày 20-11- 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế; Nghị định 185 ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư 08 ngày 22-4-2013 của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ở khía cạnh quản lý ngành, Bộ Công thương cũng ban hành Công văn 1910 ngày 12-3-2014 về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam gửi Sở Công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, yêu cầu phối hợp với sở, ngành và địa phương phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu và thống kê, rà soát các tổ chức, cá nhân thu gom các mặt hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực chợ đầu mối, cửa khẩu, cảng biển để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện một số công việc như:

Thành lập các Đoàn công tác đến các địa bàn nóng, có xảy ra vụ việc để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý; cung cấp thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về các hoạt động cũng như các hành vi thu mua nông sản, thủy sản của các thương nhân nước ngoài;

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đàm phán hiệp định song phương và đa phương để mở rộng thị trường nhằm tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân; tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23 ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”…

Nhưng có lẽ bấy nhiêu cũng chưa đủ để bảo vệ DN trong nước bảo đảm được nguồn nguyên liệu, người sản xuất được an toàn, tránh thương nhân nước ngoài thu mua làm “méo mó” thị trường. Cái chính yếu ở đây là từ phía người sản xuất và các DN đầu mối trong nước cũng cần thay đổi chính mình.

Nghĩa là nên chấn chỉnh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; từ nông dân đến DN nhằm tỉnh táo hơn đối với các hoạt động thu mua trực tiếp của thương nhân nước ngoài. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người nông dân nên sản xuất, nuôi trồng theo quy hoạch nông nghiệp của địa phương, không chạy theo lợi ích trước mắt, tuân thủ các quy định về mua bán hàng hóa, kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Ở một khía cạnh khác cũng cần đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động “Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định 1167 ngày 28-5-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh thực hiện nội dung phát triển hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng đến chế biến và phân phối.

Từ đó sẽ góp phần giúp DN chủ động tìm kiếm đối tác và thị trường tin cậy, hướng đến ký kết hợp đồng tiêu thụ; đồng thời giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm nằm trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ. Và tất nhiên việc xử lý kịp thời, triệt để những hành vi vi phạm trong việc thu mua nông sản, thủy sản của thương nhân nước ngoài là điều cần thiết.

THẾ ANH

.
.
.