Thứ Bảy, 29/11/2014, 07:16 (GMT+7)
.

Cấp phép cho lao động người nước ngoài - những điều lưu tâm

Thống kê gần đây cho thấy, hiện tại đã có 73 dự án đầu tư ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó có 46 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 1.270 triệu USD và 3.986 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 54.414 lao động.

Thực tiễn cho thấy, điểm mấu chốt là các dự án FDI ngày càng gia tăng, song hành với đó là vấn đề lao động người nước ngoài (NNN). Lao động NNN đã và đang là “áp lực”tương đối lớn đối với các cơ quan quản lý lao động của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Trên địa bàn tỉnh đã có 388 lao động NNN đã và đang làm việc. Tất nhiên, tới đây số lượng doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đầu tư ngày càng tăng thì số lượng lao động NNN sẽ tăng lên là điều có thể dễ dàng dự báo.

KCN Tan Huong
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào các khu công nghiệp tại Tiền Giang. Ảnh: Vân Anh

Vấn đề đang được đặt ra là việc cấp phép lao động cho NNN làm sao bảo đảm được thủ tục không rườm rà, cứng nhắc, không gây khó khăn cho DN nhưng vẫn đúng các quy định hiện hành cũng không phải dễ. Hiện nay, thủ tục cấp phép lao động NNN được thực hiện theo quy định tại Nghị định 102 ngày 5-9-2013 của Chính phủ và Thông tư 03 ngày 2-1-2014 của Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, việc cấp phép lao động NNN phải qua 2 bước:

Bước 1 là đăng ký nhu cầu sử dụng lao động NNN. Hàng năm, DN phải xác định nhu cầu sử dụng lao động NNN đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với UBND tỉnh.

Sở LĐ-TB&XH giúp UBND tỉnh tiếp nhận đăng ký nhu cầu sử dụng lao động của DN, thẩm định và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp xét thấy nhu cầu không hợp lý, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu DN thuyết minh bổ sung. Trên cơ sở văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH thông báo những vị trí công việc được chấp thuận hoặc không được chấp thuận cho DN biết.

Bước 2 là lập thủ tục đề nghị cấp phép lao động. Trên cơ sở thông báo của Sở LĐ-TB&XH về những vị trí công việc được chấp thuận, DN tuyển lao động NNN theo nhu cầu và gửi thủ tục đề nghị cấp phép lao động theo quy định.

So với quy định trước đây, Nghị định 102 quy định phải đăng ký nhu cầu sử dụng lao động là nhằm giúp UBND tỉnh quản lý được tổng thể và tính hợp lý của nhu cầu sử dụng lao động NNN phù hợp với dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó; đồng thời nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho lao động trong nước.

Thực tế cũng đã được ghi nhận là, việc đăng ký và giải trình nhu cầu sử dụng lao động NNN vừa qua đã tạo cảm giác “gò bó” đối với các DN. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện 1 lần vào đầu năm. Sau đó việc cấp phép đối với từng lao động NNN được thực hiện như trước đây, trừ trường hợp DN có thay đổi nhu cầu sử dụng mới phải đăng ký lại.

Quy định về việc cấp phép lao động cho NNN là thế, nhưng trên thực tế không ít DN phàn nàn về thủ tục cấp phép còn rườm rà. Nhưng cái chính ở đây lại là câu chuyện khác. Đó là sự không kiểm soát được số lượng lao động NNN đang làm việc thực tế ở các DN và thông qua con đường nào.

Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Có một thời gian các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên tình trạng lao động “chui” của NNN, nhất là trong các DN FDI. Sự mất kiểm soát này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Tất nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, số lượng lao động NNN đang làm việc ở các DN chưa nhiều như các tỉnh, thành khác, nhưng cũng cần phải lưu tâm.

PHƯƠNG ANH

.
.
.