Thứ Sáu, 07/11/2014, 14:58 (GMT+7)
.

Chia lại "chiếc bánh" thị phần tín dụng

Có một thời các ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn tỉnh cạnh tranh nhau rất quyết liệt về lãi suất huy động làm cho thị trường tài chính cũng bị biến tướng. Đó là lúc mà hệ thống NH thương mại cổ phần mọc lên như nấm, việc mở chi nhánh, phòng giao dịch được triển khai rầm rộ trên địa bàn tỉnh. Đó cũng là lúc thanh khoản của một số NH, nhất là NH thương mại cổ phần, đang có vấn đề.

Cạnh tranh về lãi suất huy động càng đẩy lên gay gắt, nhiều NH “xé rào” khung lãi suất do NH Nhà nước ấn định bằng nhiều thủ thuật, chiêu trò khác nhau làm cho thị trường tài chính hết sức nóng bỏng. Việc chèo kéo khách hàng giữa các NH cũng diễn ra gay gắt, tinh vi hơn. Và tất nhiên thị phần tín dụng, hay nói đúng hơn là “chiếc bánh” về vốn huy động đã được chia lại. Để ổn định tình hình, NH Nhà nước buộc phải dùng các công cụ để xử lý.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Thái Thiện
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Thái Thiện

Nhưng nay thị trường tín dụng đã khác. “Chiếc bánh” thị phần tín dụng một lần nữa được chia lại nhưng ở khía cạnh dư nợ tín dụng. Các NH đang dồn sức để chia lại thị phần khách hàng vay vốn, tập trung vào nhóm nông nghiệp, nông thôn, mà chủ yếu là khách hàng là kinh tế hộ. Khi đặt ra vấn đề này, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang, đơn vị chiếm thị phần lớn trong việc cho vay liên quan đến nông nghiệp, nông thôn cũng thừa nhận rằng, đó là một trong những vấn đề nổi cộm của thị trường tín dụng hiện nay.

“Hầu như các NH đang cơ cấu lại và chuyển hướng đối tượng khách hàng. Những năm trước, các tổ chức tín dụng chủ yếu nhắm vào nhóm đối tượng là các doanh nghiệp (DN) để dễ quản lý và chi phí thấp. Nhưng tình hình của các DN những năm qua èo uột, trong khi NH đang thừa vốn buộc lòng phải chuyển hướng” - ông Trần Trọng Hùng nhận định.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, nhu cầu vay vốn của kinh tế hộ cũng ở mức độ nhất định và thực tế cũng đã được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ. Nghĩa là nhu cầu vay vốn của đối tượng là kinh tế hộ cũng đã bão hòa. “Chiếc bánh” nhu cầu vốn của nhóm đối tượng này cũng chỉ chừng ấy, nếu nhiều NH đổ xô vào thì cũng chỉ lôi kéo khách hàng từ tổ chức tín dụng này chạy sang tổ chức tín dụng khác, còn số thực tế dư nợ tăng lên thật sự không nhiều. Như vậy, dư nợ cho vay thực ra cũng chỉ chạy lòng vòng.

Để lôi kéo được khách hàng, không có con đường nào khác là một số tổ chức tín dụng phải đưa ra chiêu thức là cạnh tranh về giá, nghĩa là lãi suất thấp hơn và cạnh tranh về thủ tục vay. Thực tế đang diễn ra là, một số NH muốn nhắm vào đối tượng khách hàng nào thì áp dụng chính sách ưu đãi về giá cho đối tượng đó. Tất nhiên cũng sẽ có NH cố giữ khách hàng truyền thống của mình. Chỉ có “chiếc bánh” chừng đó mà nhiều tổ chức tín dụng chen chân vào buộc lòng một vài NH phải “hy sinh” số ít khách hàng của mình.

Câu hỏi đang được đặt ra là vì sao các tổ chức tín dụng, nhất là các NH thương mại cổ phần, cạnh tranh nhau từng đối tượng khách hàng như thế. Thật ra cũng không khó để trả lời, bởi hầu hết các NH đang thừa vốn nên áp lực đẩy vốn ra là rất lớn, nếu không các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó nhóm khách hàng là DN hiện tại có độ an toàn chưa cao, các nhóm đối tượng khác lại là khách hàng truyền thống của các tổ chức tín dụng. Thực tế này đã đẩy các tổ chức tín dụng chèo kéo khách hàng lẫn nhau. Nghĩa là “chiếc bánh” thị phần một lần nữa sẽ được chia lại. Và tất nhiên, tổ chức tín dụng nào có uy tín, có thương hiệu và có độ tin cậy hơn sẽ có lợi thế.

PHƯƠNG ANH

.
.
.