Doanh nghiệp tìm hướng đi riêng để ổn định và phát triển
Trong giai đoạn khó khăn, việc mỗi doanh nghiệp (DN) lựa chọn cho mình một lối đi riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế cũng đã chứng minh rằng, không ít đơn vị đã lách qua “cánh cửa hẹp” để ổn định và phát triển. Tất nhiên, điều này cũng sẽ không dễ dàng và không phải đơn vị nào cũng có thể làm được.
Câu chuyện của Hợp tác xã (HTX) Chiến Thắng là một trong những minh chứng. Có thâm niên hoạt động trên 35 năm, ban đầu là một tổ hợp nhỏ chuyển dần thành tổ hợp tác và trở thành HTX, HTX Chiến Thắng cũng có những giai đoạn phải lách qua “cánh cửa hẹp” như thế.
Bà Đặng Thị Ngọc Dung, Chủ nhiệm HTX Chiến Thắng nói rằng, năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, các DN trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Trong khi nhiều DN phá sản hoặc phải co cụm lại để duy trì sản xuất, HTX Chiến Thắng đã chọn cho mình một hướng đi mới đó là liên doanh với đối tác để phát triển và mở rộng sản xuất.
“Với định hướng đó, năm 2009 HTX Chiến Thắng đã góp vốn để tham gia thành lập Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam nhằm huy động nguồn lực tài chính của đối tác, xây dựng nhà xưởng sản xuất theo quy mô công nghiệp, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của thế giới, tạo nền tảng để phát triển”- bà Đặng Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Dây chuyền sản xuất của HTX Chiến Thắng. Ảnh: Thái Thiện |
Cũng chính nhờ vào sự liên doanh, liên kết này đã giúp cho Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam và HTX Chiến Thắng vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như trong nước và ngày càng phát triển.
Bước sang năm 2014, để chủ động hơn trong việc hoạch định, mở rộng trong ngành dệt len xuất khẩu, HTX Chiến Thắng đã thuê nhà xưởng của Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam để mở rộng sản xuất. Nhà xưởng sản xuất hợp tiêu chuẩn quốc tế, HTX Chiến Thắng đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật và được khách hàng Nhật bao tiêu sản phẩm.
Vừa qua, HTX Chiến Thắng còn được đối tác hỗ trợ một số máy móc thiết bị hiện đại, giúp tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Kết quả là những tháng qua, sản lượng, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước của HTX Chiến Thắng đã tăng 50% so với năm 2013, giải quyết việc làm cho người lao động tăng 100%.
Có lẽ cách làm của HTX Chiến Thắng cũng chỉ mang tính cá biệt và đem lại hiệu quả thiết thực. Còn ở khía cạnh khác, việc tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tập đoàn, siêu thị ở các trung tâm lớn cũng đã được lựa chọn và chiến lược này cũng đã mang lại hiệu quả khả quan. Đó cũng là một trong những lý do để hình thành nên chuỗi kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phía Nam với trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước là TP. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của Sở Công thương, đơn vị đầu mối trong thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, chỉ riêng trong năm 2013, đã có 229 hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa hệ thống phân phối với 136 DN; trong đó có 7 DN, HTX của tỉnh Tiền Giang đã ký 9 hợp đồng nguyên tắc với các nhà phân phối như: Satra, Co.opmart, Citimart, BigC, Titan, Trung tâm Hàng Xanh và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn để cung cấp trái cây các loại, sản phẩm chế biến từ cacao, bưởi, gạo, thức ăn chăn nuôi…
Kết quả là, DNTN Long Thuận đã ký kết và thực hiện với Satra được 2.000 sản phẩm, với giá trị 900 triệu đồng; HTX Quyết Thắng ký kết và thực hiện với Công ty cổ phần XNK Than Vinacomin được 16,740 tấn khóm; Công ty TNHH SXTMDV Mỹ Châu đã thực hiện với Satra Phạm Hùng,Maximart, Citimart, Cửa hàng Rau An toàn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với trị giá đã thực hiện là 1 tỷ đồng...
Hội nghị kết nối cung - cầu năm 2014 vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có 347 hợp đồng nguyên tắc của DN tại 33 tỉnh, thành đã được đàm phán, thỏa thuận và ký kết; trong đó DN 13 tỉnh miền Tây thực hiện ký kết 214 hợp đồng. Điều này sẽ tiếp tục mở ra những hướng đi chiến lược trong sản xuất kinh doanh cho mỗi đơn vị.
Tất nhiên, sẽ không có mô hình chuẩn nào cho mỗi DN trong chiến lược kinh doanh của mình. Nhưng dẫu sao, việc tìm cách lách qua “cánh cửa hẹp” hiện nay là việc cần và nên làm. Bởi hơn ai hết, chính bản thân mỗi DN mới hiểu được nguồn lực nội tại cũng như những tiềm năng vốn có của mình. Chính những lợi thế vốn có là điều kiện thuận lợi để mỗi DN tìm cho mình một hướng đi riêng.
PHƯƠNG ANH