Thứ Tư, 05/11/2014, 15:19 (GMT+7)
.

Kỳ vọng gì ở MDEC?

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - The Mekong Delta Economic Cooporation (MDEC) lần thứ 8 chính thức khai mạc tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 5-11. Đây là hoạt động thường niên, được liên kết giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ, MDEC là hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng, liên kết giữa vùng với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, liên kết với các tổ chức quốc tế nhằm phát huy tiềm năng toàn vùng cũng như của từng địa phương.

Với chủ đề “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, MDEC - Sóc Trăng 2014 được xem là xác thực với đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra với ngành Nông nghiệp của ĐBSCL, vốn còn nhiều bất cập, tồn tại.

Hội thi Trái ngon trong khuôn khổ MDEC - Tiền Giang 2012.
Hội thi Trái ngon trong khuôn khổ MDEC - Tiền Giang 2012.

MDEC lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và 6 địa phương theo các chủ đề trọng tâm, đã có tác động tích cực trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, phối hợp hành động chung cho vùng.

Theo Ban Tổ chức MDEC, sau 7 lần tổ chức thành công, với các chủ đề: “ĐBSCL chủ động hội nhập WTO”, “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”, “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời hội nhập”, “Phát huy lợi thế sông, biển - phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL”, “ĐBSCL - Liên kết phát triển bền vững”, “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”,“ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, diễn đàn đã đạt được những kết quả thiết thực, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự phát triển cho ĐBSCL.

Với chủ đề: “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, MDEC - Sóc Trăng 2014 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp mang tính hiện đại và bền vững. Đây là mục tiêu mà cả vùng ĐBSCL cần hướng đến trong tương lai.

Thực tiễn cũng cho thấy rằng, qua các diễn đàn, nhiều chương trình, đề án, dự án đầy tính đột phá vì sự phát triển chung của vùng đã được đề xuất, giải quyết kịp thời.

Chẳng hạn, đề nghị xem xét thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL hoặc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng kinh tế; đề án thành lập Trung tâm thông tin ĐBSCL tại TP. Hồ Chí Minh, đề án xây dựng chính sách đầu tư đặc thù cho vùng ĐBSCL; tăng đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, cho giáo dục - đào tạo của vùng; xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể  những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL để vừa tìm kiếm giải pháp thích nghi; xây dựng Cơ chế điều phối liên kết kinh tế nâng khả năng cạnh tranh của vùng, xây dựng mô hình các khu phức hợp hoặc cụm công nghiệp dịch vụ nông - thủy sản vùng ĐBSCL thích ứng quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Thống kê gần đây cũng cho thấy, thông qua các kỳ tổ chức MDEC, các địa phương đã tranh thủ giới thiệu môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi đầu tư và cơ hội đầu tư; từ đó công tác xúc tiến đầu tư từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của vùng, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.

Từ khi MDEC được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2007, toàn vùng đã thu hút 630 dự án đăng ký đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 550 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 300 ngàn tỷ đồng và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5 tỷ USD.

Thông qua 10 hoạt động xuyên suốt, MDEC Sóc Trăng 2014 cũng nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là xoáy vào việc tái cấu trúc ngành Nông nghiệp.

Có lẽ đây là một trong những diễn đàn có nhiều nội dung đi thẳng vào thực chất cùa ngành Nông nghiệp. Và tất nhiên sẽ đặt ra nhiều kỳ vọng cho các cấp, các ngành, nhất là đối với người nông dân. Bởi hơn bao giờ hết, với nhiều tiềm năng và lợi thế nhất định, nhưng ngành Nông nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều tồn tại và nhất là người nông dân là những người chịu thiệt thòi nhất.

Bởi thực tiễn được các chuyên gia nhìn nhận rằng, tình trạng sản xuất - kinh doanh manh mún, xé lẻ đã làm cho “hạt gạo bị cắn làm 8”, “con cá tra bị chặt ra làm 3 khúc”, “cây mía chặt thành nhiều lóng”, “trái bưởi, trái cam, trái dừa bị cắt ra năm bảy múi”… và phần thua thiệt đương nhiên thuộc về nông dân.

Cũng có một thống kê cho thấy rằng, sau hơn 10 năm kể từ khi Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực lại chưa có đến 10% giá trị nông sản của các tỉnh ĐBSCL được tiêu thụ thông quan hợp đồng. Thực tế này đang tìm kiếm một lời giải thỏa đáng.

Tất nhiên chỉ qua các kỳ MDEC, nhất là MDEC - Sóc Trăng 2014 cũng chưa thể nào có lời giải hữu hiệu cho ngành Nông nghiệp. Bởi theo thống kê gần đây của các chuyên gia, đã có trên 200 cơ chế, chính sách liên quan đến cây lúa, hạt gạo; hơn 160 cơ chế, chính sách liên quan đến thủy sản và hơn 40 văn bản liên quan đến cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp, tất nhiên đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn bị đánh giá là ì ạch, manh mún.

Và tất nhiên những người làm ra hạt gạo, con cá hay các loại trái cây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Và như vậy, MDEC - Sóc Trăng 2014 lại một lần nữa xới lên những tồn tại, hạn chế và mở ra những đường hướng phát triển mới cho ngành Nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL.

Một lần nữa, ngành Nông nghiệp được đánh giá lại đúng với thực chất tồn tại của nó. Và tất nhiên, những kỳ vọng của ngành Nông nghiệp, người nông dân cũng được đặt vào những quyết sách, những cơ chế và cả những hành động thiết thực hơn.

THẾ ANH

MDEC - Sóc Trăng 2014 chính thức diễn ra

Hôm nay (5-11), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Sóc Trăng năm 2014 (MDEC - Sóc Trăng 2014) chính thức diễn ra.

Buổi sáng, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo khoa học bác sĩ nông học Lương Định Của.

Buổi chiều, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình kinh tế hộ gia đình phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL.

Buổi tối, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Khai mạc MDEC - Sóc Trăng 2014, công bố quỹ An sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ quỹ An sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2014.

Trước đó (2-11), Hội chợ “Hạt gạo thơm - thủy sản sạch - trái cây ngon - thương mại và du lịch ĐBSCL 2014” đã khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt (TP. Sóc Trăng). Đây là sự kiện nằm trong chương trình MDEC - Sóc Trăng 2014.

Hội chợ quy tụ trên 600 gian hàng tham gia, trong đó có hơn 250 gian hàng triển lãm của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm; đồng thời sẽ xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, giới thiệu công nghệ, kỹ thuật sản xuất cao, phương pháp bảo quản, chế biến nông sản…

S.N

 

.
.
.