Trăn trở từ "vựa lúa" của cả nước
Trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2-2014, ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
ĐBSCL cũng được xác định là trung tâm năng lượng, trung tâm dịch vụ, du lịch lớn của cả nước. Một điều dễ thấy nhất là ĐBSCL lâu nay được xem là vựa lúa của cả nước, nhưng chỉ là vựa lúa, đảm bảo an ninh lương thực thôi chưa đủ, ĐBSCL còn phải là trung tâm xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn của cả nước.
Từ tầm nhìn như vậy, đòi hỏi khu vực này phải phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chứ không phải là cách làm manh mún, thiếu sự liên kết và chưa có tầm nhìn dài hạn như lâu nay.
Một góc TP. Cần Thơ nhìn từ trên cao. |
Chính vì những lý do đó mà chủ đề MDEC - Sóc Trăng 2014 diễn ra từ ngày 5 đến 7-11 vừa qua được chọn là Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL. Khi nền kinh tế Việt Nam đang được tái cơ cấu tổng thể, nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của cả nước cũng được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn. Ở ĐBSCL, thách thức được nhắc đến là làm sao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu cần chứng minh hiệu quả của các kỳ MDEC, thì con số 773 dự án đăng ký đầu tư, trong đó đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 661 dự án trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký trên 307.000 tỷ đồng và trên 5 tỷ USD kể từ lần đầu tiên MDEC được tổ chức vào năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh đến nay là minh chứng rõ ràng nhất.
Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất không hẳn ở các con số cam kết đầu tư mà là phải làm sao để đưa các dự án này triển khai trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, cũng như làm sao tạo sự liên kết bền chặt giữa các địa phương trong vùng để cùng phát triển.
Trong khi đó, điều quan trọng là làm sao tìm được giải pháp để thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như: Lúa gạo, thủy sản, trái cây…
Làm sao để nông dân ĐBSCL có thu nhập cao hơn, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chưa kể còn là làm sao để tạo được sự liên kết giữa ĐBSCL và các địa phương lân cận, trong đó có TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quy hoạch tổng thể cũng đã được xác định là địa bàn có vai trò làm cầu nối với các khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên.
Vấn đề đặt ra là làm sao tạo được sự liên kết, tìm ra các giải pháp, cơ chế, chính sách và đồng lòng thực hiện, cộng thêm việc huy động mọi nguồn lực, phát huy sức dân để triển khai thực hiện các mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để vùng này thực sự bứt phá trong tương lai.
SĨ NGUYÊN