Thứ Sáu, 14/11/2014, 14:13 (GMT+7)
.

Vì sao nhiều doanh nghiệp "gãy đổ"?

Theo Cục Thuế tỉnh, đến ngày 31-10 toàn tỉnh có 330 doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể hoạt động. Đây được xem là một trong những năm có số lượng DN “gãy đổ” nhiều nhất từ trước đến nay. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho thực trạng này. Còn trên bình diện tổng thể, trên phạm vi cả nước, đến hết tháng 9 đã có đến 70.000 DN giải thể, ngừng hoạt động.

Ở góc nhìn khác, theo nhìn nhận chung từ thực tế, tổng cầu vẫn đang suy giảm, tồn kho tăng 13,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2013. Điều này phần nào cho thấy tình hình “sức khỏe” của nhiều DN vẫn còn rất yếu, dấu hiệu hồi phục còn chậm dẫn đến DN phá sản, giải thể hay ngừng hoạt động. Mặc dù số lượng DN phả sản, giải thể của tỉnh so với cả nước chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp nhưng cũng đặt ra nhiều điều đáng phải lo ngại.

Đánh giá của Sở KH-ĐT cũng cho thấy rằng, số lượng DN thành lập mới giai đoạn 2013-2014 cũng có chiều hướng giảm. Tính chung từ năm 2013 và ước  năm 2014, tổng số DN mới được thành lập toàn tỉnh là 884 DN, với tổng số vốn đăng ký 2.841 tỷ đồng; trong đó năm 2014 dự kiến có khoảng 400 DN ra đời, với số vốn đăng ký 1.600 tỷ đồng, giảm 17% về số DN mới so với năm 2013.

Chỉ có điều đáng lưu ý là tỷ lệ đầu tư mở rộng/đầu tư mới có chiều hướng tăng. Nếu như năm 2013 tỷ lệ này là 54,5%, sang năm 2014 được nâng lên 97%. Điều này cho thấy DN đang lựa chọn đầu tư mở rộng do hiệu quả hơn so với việc thành lập mới, vì tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan như tiếp cận thị trường, quản lý, tận dụng được thị phần, lợi thế thương mại sẵn có.

Nhưng ở một góc nhìn khác, cũng theo đánh giá từ Sở KH-ĐT, riêng số DN giải thể do hoạt động bị thua lỗ, không hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong hai năm từ 2013-2014 cũng dao động từ 18-20% so với tổng số DN thành lập. Nguyên nhân chính được đưa ra là phần lớn các DN giải thể do khả năng quản lý kém, thiếu vốn hoạt động, thị trường không ổn định

Trường hợp DN đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động hoặc không nhận giấy đăng ký kinh doanh vẫn còn (do khi khởi sự tính toán không kỹ hoặc do các nguyên nhân về mặt bằng, về lao động, thị trường...) chiếm tỷ lệ khoảng 4 - 5%. Bên cạnh đó, cũng còn một số DN chưa có biện pháp chủ động ứng phó vượt qua khó khăn, thách thức, kinh doanh không hiệu quả nên phải tạm ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh.

Khó khăn của nền kinh tế nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng dẫn đến một bộ phận DN phá sản, giải thể hay ngừng hoạt động cũng là điều dễ hiểu. Bởi vận hành theo nền kinh tế thị trường, việc quản lý kém, nguồn vốn ít, không thích ứng được với cơ chế kinh tế mở, chắc chắn DN sẽ bị đào thải, không sớm thì muộn.

Nhưng ở một khía cạnh khác, việc “gãy đổ” của một số DN còn được các chuyên gia đánh giá là do thủ tục thành lập DN mới quá đơn giản và chế độ hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là sau khi Luật DN có hiệu lực từ năm 2005.

Ngay tại diễn đàn của Quốc hội gần đây, khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Luật DN, các đại biểu cũng băn khoăn về vấn đề thủ tục để thành lập DN mới. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu của đơn vị TP. Hồ Chí Minh đã tâm tư rằng:

“Tạo điều kiện cho người dân thành lập DN nhưng cũng cần có quy định chặt chẽ, kiểm soát việc thành lập các công ty tràn lan. Nếu quy định quá dễ dãi, chỉ cần phô tô chứng minh thư cho vào hồ sơ thôi thì quá đơn giản. Vừa qua, do quy định thiếu chặt chẽ, một người có thể thành lập hàng chục công ty và không ít trong đó là công ty “ma”.

Nhận định trên cũng phần nào xuất phát từ thực tiễn vừa qua. Bởi, việc đăng ký thành lập DN quá dễ dãi sẽ bị lợi dụng, kinh doanh trái pháp luật như mua bán hóa đơn, lừa đảo. Thực tế cũng cho thấy rằng, có nhiều DN “ma” nợ thuế, nợ hợp đồng, nợ bảo hiểm mà không quản lý được. Ngay trên địa bàn tỉnh, tình trạng này cũng đã từng xảy ra.

Do vậy, việc luật hóa quy định chế độ hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để hạn chế tối đa DN “ma” cũng là điều nên làm. Chính việc dễ dàng trong thành lập DN, nên có một thời rất nhiều DN ra đời, nhất là trong giai đoạn dễ làm ăn làm cho số lượng DN tăng vọt. Và tất nhiên, khi giai đoạn kinh tế khó khăn, việc “gãy đổ” của không ít DN cũng là điều dễ hiểu.

PHƯƠNG ANH

.
.
.