Thứ Tư, 12/11/2014, 09:49 (GMT+7)
.

Vì sao quốc tế nâng bậc xếp hạng tín nhiệm Việt Nam?

Việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia Việt Nam cho thấy sự ổn định trong khu vực tài chính ngân hàng, góp phần giúp nhà đầu tư có nhìn nhận tích cực hơn về Việt Nam, nâng cao uy tín của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới.

Chỉ hơn 3 tháng sau sự kiện nâng XHTN của Moody’s, mới đây, tổ chức xếp hạng Fitch cũng đã nâng XHTN của Việt Nam từ mức B+ lên BB-, với triển vọng ổn định.

Bình luận về sự kiện này trên Thời báo Ngân hàng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, về chính sách tiền tệ, xu hướng trong những năm vừa qua Việt Nam đã có được mức lạm phát thấp.

Bên cạnh đó, về tăng trưởng tín dụng, nếu như giai đoạn 2000 - 2010, tăng trưởng tín dụng trung bình ở mức cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng thường xuyên vượt trên 100% và điều này rõ ràng không tốt cho nền kinh tế, còn hiện nay, với tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải. Trong khi đó, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định; tài khoản vãng lai cũng có những cải thiện và đã giúp tăng cường dự trữ ngoại hối.

Vì vậy, nếu nhìn vào tất cả những xu hướng đó thì sẽ thấy đó là những cơ sở tốt đảm bảo cho lần thăng hạng vừa qua.

Theo bà Kwakwa, việc xếp hạng tín nhiệm (XHTN) cho thấy mức độ rủi ro của một quốc gia ở mức nào, kéo theo đó là mức độ rủi ro của các tập đoàn, NH thuộc quốc gia đó. Như vậy, được xếp hạng cao hơn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn trên thị trường quốc tế với chi phí rẻ hơn.

Cùng với việc nâng hạng, những yếu tố còn tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam cũng được Fitch chỉ ra như vấn đề nợ tiềm tàng của các DNNN, tiến độ cải cách khu vực tài chính NH và DNNN còn chậm… Nếu Việt Nam làm quyết liệt hơn, tốt hơn với các vấn đề trên, đồng thời tiếp tục duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô tốt thì trong tương lai Việt Nam có thể tiếp tục được nâng hạng.

Phân tích cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, hai lý do chính để Fitch nâng XHTN cho Việt Nam lần này là sự cải thiện về kinh tế vĩ mô và cải thiện trong khu vực đối ngoại.

Từ góc độ hệ thống NH, những đóng góp thể hiện ở một số điểm chính gồm: Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH của NHNN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7% liên tục trong hai năm qua. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng cao.

Trong điều kiện lạm phát thấp, hệ thống NH đã thực hiện nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tương đối cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua đã hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất khẩu. Qua đó, đã giúp xuất khẩu tăng trưởng cao, góp phần cải thiện cán cân thương mại.

Ngoài ra, việc NHNN nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như tỷ giá ổn định thời gian qua đã giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. Qua đó, góp phần giúp cán cân vốn cũng như cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư ở mức lớn và tạo điều kiện để chúng ta tăng dự trữ ngoại hối, tăng tiềm lực tài chính của quốc gia.

Theo bà Hồng, việc nâng bậc XHTN quốc gia Việt Nam của Fitch hay trước đó là Moody’s cũng cho thấy sự ổn định trong khu vực tài chính NH, góp phần giúp NĐT có nhìn nhận tích cực hơn về Việt Nam, nâng cao uy tín của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới.

Thực tế, ngay sau quyết định nâng XHTN Việt Nam của Fitch ngày 7-11 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD, lãi suất chỉ 4,8%/năm, trong khi mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm, qua đó giúp tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trong 10 năm.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.