Năm "nhọc nhằn" của xuất khẩu gạo
Nếu theo con số thống kê, trên bình diện tổng thể, đến thời điểm hiện nay số lượng và giá trị xuất khẩu của hạt gạo mang về cho tỉnh vẫn tăng so với năm trước. Nhưng thực chất những con số này chưa phản ánh một cách đầy đủ về nội tại của hạt gạo của năm 2014. Bởi nếu làm một bài toán tách bạch, cụ thể hơn sẽ có những câu chuyện khác xoay quanh hạt gạo cần phải suy nghĩ.
Năm “nhọc nhằn” của xuất khẩu gạo. |
Theo cách tính thông thường, nếu tổng lượng gạo xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh tăng thì ít ra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lương thực có quy mô lớn cũng sẽ có lượng gạo XK tăng. Nhưng trên thực tế lại là câu chuyện khác.
Trao đổi với ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood), là một trong những DN kinh doanh XK gạo có quy mô đứng đầu của tỉnh, được biết một cách chắc chắn rằng, năm 2014 công ty chỉ kinh doanh đạt khoảng 160.000 tấn, chỉ đạt 66% so với kế hoạch cả năm và chỉ bằng 87% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính được đưa ra là do thị trường tiêu thụ theo hợp đồng XK trực tiếp gặp khó khăn, đúng như dự báo ngay từ đầu năm 2014. Chẳng hạn, sở trường của công ty là XK gạo cao cấp sang thị trường Mỹ, những năm trước khoảng 30.000 tấn gạo, năm nay chỉ còn chưa đến 6.000 tấn gạo do vướng các rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng các thị trường XK trực tiếp khác cũng giảm từ 20 - 30% do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường này giảm sâu, nên nhóm tiêu thụ nội địa cũng giảm theo.
Ở một diễn biến khác, kinh doanh chủ lực của các công ty lương thực từ trước đến nay vẫn dựa vào các hợp đồng XK tập trung. Mặc dù năm 2014, hợp đồng XK gạo theo diện tập trung có tăng về số lượng nhưng vẫn không bù đắp được những khoản giảm sâu của các thị trường khác.
Chưa kể giá gạo XK theo các hợp đồng tập trung lại thấp, trong khi giá nguyên liệu trong nước năm nay luôn ở mức cao. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy là không ít DN kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh chỉ làm cầm chừng và có xu hướng “teo tóp” quy mô lại, do nếu số gạo kinh doanh càng lớn thì nguy cơ thua lỗ càng cao.
“Hiện tại, giao dịch trên thị trường lúa gạo cũng đang rất thấp và dự báo xu hướng giá sẽ tiếp tục giảm do thị trường tiêu thụ thế giới giảm, nên giá trong nước cũng giảm theo. Nếu tình hình không có nhiều cải thiện, vụ đông xuân tới đây dự báo cũng gặp không ít khó khăn” - ông Lê Thanh Khiêm nhận định.
Nếu phân tích kỹ các yếu tố tác động và đúng như nhận định của các DN kinh doanh lương thực, thì XK gạo theo diện chính ngạch trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn số lượng gạo thực tế kinh doanh sẽ không vượt so với năm 2013.
Như vậy, việc tăng về số lượng và giá trị theo như thống kê của các ngành chỉ còn nghiêng về mảng XK gạo theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế lượng gạo xuất theo đường tiểu ngạch rất khó thống kê được và hơn hết là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều này chính các DN kinh doanh lương thực cũng đã đưa ra nhận định và dự báo.
Tương lai của hạt gạo Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng chắc chắn sẽ còn không ít biến động. Bởi theo nhận định của các DN, thị trường tiêu thụ gạo tới đây còn chịu rất nhiều áp lực và khó khăn.
Đối với hợp đồng XK gạo tập trung, ở nhóm thị trường châu Phi, thì Ấn Độ, Pakistan đã cạnh tranh quyết liệt và chiếm thị trường này. Thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam là Philippine, Malaysia hay Indonesia thì hiện nay Thái Lan đã chiếm lĩnh hơn 50%.
Riêng thị trường gạo chất lượng cao, xuất theo các hợp đồng trực tiếp của các DN trong nước, thì Campuchia đang nổi lên và cạnh tranh quyết liệt, với ưu thế là nguồn nguyên liệu dồi dào và được miễn thuế XK.
Những khó khăn của thị trường tiêu thụ gạo cũng được chính các DN XK tiên liệu. Bởi theo ông Lê Thanh Khiêm, nếu tính vào thời điểm tháng 12-2013, Tigifood đã có khoảng 20.000 tấn gạo đã được ký hợp đồng để gối đầu cho năm sau, nhưng năm nay công ty chỉ có 6.000 tấn gạo để xuất vào đầu năm 2015.
Hiện tại, cũng có tình trạng là khách hàng đang “nằm chờ” giá gạo xuống tiếp, đến khi vào chính vụ mới ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Nếu nhìn tổng hòa các yếu tố thì khả năng giá gạo XK sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Nhưng cũng cần lưu ý là mặt hàng gạo rất “nhạy” với thời tiết, thiên tai, chỉ cần có biến động nhỏ là giá có thể thay đổi nhanh chóng, nên rất khó lường trước được.
Nhưng nhìn động thái gần đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã cho thấy, bức tranh của xuất khẩu gạo vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Đó là VFA vừa điều chỉnh giá sàn XK gạo 25% tấm và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-11. Theo đó, giá tối thiểu XK gạo 25% tấm hạ xuống 380 USD/tấn, giảm 7% so với 410 USD/tấn trước đó do nhu cầu giảm. Một viễn cảnh khó đoán trước được đối với hạt gạo là thế.
THẾ ANH