Thứ Hai, 29/12/2014, 20:02 (GMT+7)
.

Người Việt Nam phải quyết định nền kinh tế Việt

1. Tại cuộc hội thảo mini nhân khai trương Văn phòng đại diện VCCI Cần Thơ tại Tiền Giang, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ có đánh giá về kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2014, những cơ hội và thách thức của năm 2015.

Theo ông Dũng, kinh tế cả nước năm nay có tín hiệu khả quan, tăng trưởng khoảng 5,9% (năm 2013 là 5,4%), lạm phát được kềm chế dưới 5% vào tháng 2-2014, dự kiến cả năm thấp hơn 3%; lãi suất ngân hàng thấp và từng bước doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Năm 2015  là năm được dự báo sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nếu loại trừ các yếu tố bất lợi của thị trường thế giới.

Công nhân Công ty TNHH Hansae - Khu công nghiệp Tân Hương (Doanh nghiệp FDI) trong giờ lao động.
Công nhân Công ty TNHH Hansae - Khu công nghiệp Tân Hương (Doanh nghiệp FDI) trong giờ lao động.

Riêng ĐBSCL thì số liệu về tăng trưởng kinh tế khá “ngổn ngang”, năm 2014 tăng trưởng ước đạt 9% so với 8,5% năm 2012 và 8,75% năm 2013, nhưng con số này cần xem xét lại bởi cao gấp rưỡi so với cả nước. Đánh giá về những trở ngại trong phát triển của khu vực ĐBSCL, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, 3 yếu tố mà 10 năm trước cũng đã chỉ ra, nhưng trong 10 năm sau chắc vẫn còn nói tới, đó là: Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và vốn.

Những vấn đề này đã nói hoài nhưng vẫn chưa được cải thiện là bao, trong khi ý tưởng mới có tính đột phá cho sự phát triển thì còn quá nghèo nàn, quanh quẩn chỉ là những cái gọi là tiềm năng mà đi tỉnh nào cũng nghe nói, đó là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Nhưng quy hoạch thì mạnh tỉnh nào nấy làm, trong khi xuất khẩu có dựa vào 3 thế mạnh này không, hay chủ yếu dựa vào kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của khu vực khoảng 10 tỷ USD, chỉ bằng 10% của cả nước và trong vòng 10 năm nay chưa có một ý tưởng đột phá nào để khai thác hết thế mạnh của vùng. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua có đặt ra, nhưng giải pháp vẫn chưa rõ ràng, ngay cả trong định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải, nhằm rút ngắn thời gian chuyên chở và hạ giá thành vận tải của vùng.

Cần có ý tưởng mới trong tư duy, tiếp cận với xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt lãnh đạo phải biết lắng nghe, nếu cần thiết thì mời cả chuyên gia nước ngoài làm công tác tư vấn, quy hoạch phát triển.

2. Trong khi đó, bàn về việc xây dựng thương hiệu cho xuất khẩu của ĐBSCL, ông Calvin P. Trần, Thạc sĩ kinh tế, Đại học Berkeley, California, Hoa kỳ cho rằng: Sản phẩm đặc trưng của đồng bằng chủ yếu là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mang tính chất gia đình là chủ yếu, nên khó đạt được chuẩn cho xuất khẩu.

Thay đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất là yếu tố đầu tiên phải làm để xây dựng thương hiệu cho xuất khẩu, bởi như thế mới có năng suất và chất lượng. Cần phải làm ăn nghiêm túc, công nghệ hóa, hạn chế làm bằng thủ công và cần liên kết lại để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng đồng đều, hạ giá thành để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Công nhân Công ty CP Rau quả Tiền Giang chế biến xoài xuất khẩu.
Công nhân Công ty CP Rau quả Tiền Giang chế biến xoài xuất khẩu.

Còn ông Nguyễn Anh Ngọc, thành viên Hội đồng khoa học TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, ông bà ta có câu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”; xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Vì thế, vấn đề bảo đảm chất lượng, đồng đều trong suốt quá trình sản xuất là rất quan trọng.

Ông Ngọc cho rằng không có rào cản nào cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới, vấn đề là ta phải có cái tâm và cái tầm trong sản xuất, kinh doanh. Cần khai thác nguồn nhân lực nội tại, bởi để phát triển bền vững nền kinh tế thì không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam phải quyết định kinh tế Việt Nam.

Đây cũng là một vấn đề đặt ra, bởi hiện tại kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ lệ cao trong bình quân chung của cả nước, cũng như các tỉnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong 11 tháng của năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước là 271 tỷ USD, thì các doanh nghiệp FDI chiếm 162 tỷ USD.

Riêng Tiền Giang, Đề án thu hút dự án FDI do Sở Kế hoạch - Đầu tư thực hiện đã đặt mục tiêu đến năm 2020 phải thực hiện đạt mức vốn đầu tư nước ngoài tối thiểu từ 1,2 - 1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 10 - 11% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; mức đóng góp cho ngân sách lên đến 20%.

Dẫu biết Chính phủ đã có Luật Đầu tư thì không thể phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, đánh giá đúng kết quả xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI chiếm vai trò chủ lực.

Theo ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, nhưng doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công nên nền kinh tế chưa thu được nhiều lợi ích từ thành tích này. Đây cũng là vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm.

DUY SƠN

.
.
.