Thứ Tư, 04/02/2015, 09:22 (GMT+7)
.

Đâu là thế mạnh của Tiền Giang?

Tìm thế mạnh của mình cũng là tìm lợi thế so sánh của mình với các địa phương bạn để tập trung phát huy, đặt thành mục tiêu chủ yếu, thành khâu đột phá để mở cửa cho các lĩnh vực khác cùng tiến lên.

Trước hết, hãy xem lâu nay ta thường đề cao tiềm năng sẵn có của Tiền Giang (TG) là gì? Phải chăng cây lúa là cây lương thực chủ lực, cây ăn trái với nhiều loại trái cây ngon có tiếng, diện tích lớn, sản lượng nhiều: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong, khóm Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…?

Xí nghiệp chế biến gạo Việt Nguyên (Công ty Lương thực Tiền Giang) đóng gói gạo cao cấp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 		                    Ảnh: LTK
Xí nghiệp chế biến gạo Việt Nguyên (Công ty Lương thực Tiền Giang) đóng gói gạo cao cấp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: LTK

Nói chung như hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng tài nguyên thiên nhiên của ta thì nghèo nàn, đơn điệu hơn, đất hẹp người đông. Khi giao thông còn khó khăn của vùng, TG có thế mạnh về vị trí trung chuyển, nay đã mất đi. Cây ăn trái một thời được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, có Viện Cây ăn quả miền Nam đóng chốt trên địa bàn, lại vững vàng thế mạnh.

Và ta định phát huy thế mạnh này bằng Festival cây ăn trái nhưng làm được một lần, hiệu quả không cao, ta chưa nghĩ đến việc làm tiếp. Trong khi khu vui chơi du lịch Suối Tiên làm nhiều lễ hội thi trái cây hoành tráng, phong phú, “xôm tụ” hơn, thu hút khách mạnh hơn.

Công nghiệp thì trên cơ sở tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh, thích hợp nhất là phát triển công nghiệp chế biến và công nghệ sinh học, cơ khí nhỏ (để cơ giới hóa nông nghiệp), nhưng ta làm vẫn ì ạch và gần đây nhiều con Rồng ở đất Chín Rồng có vẻ đang bỏ ta lại phía sau với “Cánh đồng mẫu lớn”, vật tư, giống má, chăm sóc, bảo quản, chế biến, tiêu thụ khép kín, bảo đảm nhà nông có lời, an tâm sản xuất.

Dĩ vãng các thời sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa thường xuyên thua lỗ, nông dân chán đất, bỗng lùi xa. Bài học nào lớn nhất ở đây? Thật ra cũng không quá đột ngột, mà chính là kết quả sự vận dụng xuất sắc từ một thành tựu tìm tòi khác của ngành Nông nghiệp:

Sự liên kết “bốn nhà”. Ở đây có phần may mắn là nhà doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tự nguyện đứng ra làm một chân trụ. Người đứng đầu là anh thanh niên nông dân Huỳnh Văn Thòn, con của 1 cán bộ Tuyên huấn Khu 8 (*).

Vậy thế mạnh của TG là gì? Có một dạo nhiều người trả lời là con người -  con người TG. Tôi đứng ở trường phái này, thậm chí còn “chủ nghĩa địa phương” hơn: Tôi cao hứng nói rằng TG phải là anh Nhật Bản giữa lòng ĐBSCL! Tài nguyên nghèo nàn, đất đai eo hẹp nhưng nhờ có học vấn, sáng tạo mà hơn người. Và tôi từng viết bài ca ngợi tài sáng tạo của nông dân TG.

Ký ức hơi xa một chút là thời chống Mỹ, nông dân Lộ Bốn chẳng những giỏi phá lộ, đấp mô, gài cả ong vò vẽ cản trở giao thông địch mà còn giỏi trồng lúa Thần Nông của IRRI, tăng vụ, tăng năng suất vượt bậc, mua sắm Honda chạy ào ào và lúa Thần Nông được mệnh danh là “lúa Honda”. Máy Kohler mua về chạy xuồng ghe vô cùng tiện lợi, khi cần lại biến thành máy bơm nước công suất cao tưới nước ngày đêm trên đồng ruộng.

Ký ức gần hơn là thời kỳ bao cấp vừa o ép hợp tác hóa nông nghiệp, vừa bị thiên tai “khủng bố” bằng lụt lội, rầy nâu. Năm 1978 phải ăn cao lương, bo bo thay gạo. Rồi những hạt giống IR36 kháng rầy, năng suất cao xuất hiện. Hạt giống thần kỳ qua cái đầu và bàn tay “phù thủy” của anh nông dân Hai Chung và sau đó những Tư Tải, Bảy Nhỏ, Hai Lạc và nông dân Lộ Bốn biến thành những hạt giống cứu đói một thời.

Những kỹ sư chân đất này còn kịp thời được những tiến sĩ nông học, kỹ sư nông nghiệp: Võ Tòng Xuân, Đỗ Văn Chuông, Nguyễn Văn Chuẩn… sát cánh “ba cùng”góp phần tạo nền tảng cho “bốn nhà” (theo kinh nghiệm Israel nên có thêm nhà tư vấn là năm). Ký ức gần hơn nữa có HTX Nông nghiệp Mỹ Thành tỏa sáng với VietGAP, GlobalGAP nhưng rồi cũng bị “hụt hơi” vì không có doanh nghiệp chí cốt…

Còn muốn lan man nữa nhưng đã gần 1.000 chữ rồi. Vậy, cuối cùng cái gì là thế mạnh của TG (và cũng xin bạn đọc hãy cùng tôi trả lời)? Suy đi, nghĩ lại, nhìn tới, nhìn lui, tôi thấy không tìm ở đâu hơn ngoài lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp toàn diện hay từng chuyên ngành. Đây là thế mạnh tiềm tàng của ta. Thời cơ vàng cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển đã đến! Ta đang có doanh nghiệp khá thành đạt là Tigifood lần thứ tư liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, hãy đầu tư sâu vào nông nghiệp. Nước ta đang làm bạn với các đối tác tin cậy về nhiều mặt, nhất là về kinh tế - thương mại.

Hầu hết đều có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật, Mỹ, Hàn, Singapore, kể cả các nước Tây Âu, Bắc Âu, Israel, lãnh thổ Đài Loan. Một số nước như Nhật Bản rất nhiệt thành, coi Việt Nam hùng mạnh là góp phần vào sự hùng mạnh của chính họ. Còn ta chỉ có mạnh lên mới sống còn. Các tỉnh bạn đang tiến lên theo hướng này, cả nước cũng theo hướng này…

TRẦN  QUÂN

(*) Anh Thòn từng là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang, Tỉnh ủy viên, đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

.
.
.