Thứ Hai, 23/02/2015, 18:45 (GMT+7)
.

Kinh tế Việt Nam - Thành tựu và thách thức

Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã thu được nhiều thành tựu rất quan trọng, bước vào một giai đoạn phát triển mới. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, giúp cho nước ta chủ động hơn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
 
 Cầu Nhật Tân (Hà Nội) trong ngày khánh thành - 4-1-2015. (Ảnh: Thế Dương)

Thực tiễn cho thấy, quá trình đổi mới của nước ta trải qua không ít những khó khăn, phức tạp. Nhưng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo của nhân dân, nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy lùi nguy cơ, đã đạt được nhiều thành tựu rất có ý nghĩa trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Với xuất phát điểm rất thấp, lại bị tàn phá bởi chiến tranh, nên sau hoà bình, nền kinh tế nước ta hết sức khó khăn. Những năm 1986, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đã trở lên gay gắt, lạm phát ở mức phi mã. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh đình đốn, thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Bội chi ngân sách nhà nước lớn, giá cả tăng cao, tiền lương thực tế giảm, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) kịp thời xác định những nguyên tắc cơ bản định hướng cho công cuộc đổi mới ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, những nguyên tắc về công cuộc đổi mới không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta từng bước đi vào ổn định và đạt được nhiều thành tựu lớn, khắc phục được nhiều mặt đình đốn, suy thoái, đạt tốc độ tăng trưởng khá và liên tục.

Lạm phát được đẩy lùi từ 774,7% vào năm 1986 còn 67% vào năm 1991, 17,5% vào năm 1992 và còn 5,2% vào năm 1993. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đạt bình quân 7,2%/năm. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới, đã giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực. Nếu năm 1998 nước ta phải nhập khẩu 450.000 tấn gạo, thì từ năm 1991 nước ta đã đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu.

Những kết quả trên đã đưa nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta tiếp tục thu được nhiều thành tựu to lớn. Nước ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm.

Kinh tế tăng trưởng nhanh với nhịp độ tăng bình quân trong giai đoạn 1991 - 1995 là 8,2%. Lương thực không những đáp ứng đủ về an ninh lương thực, mà còn xuất khẩu bình quân mỗi năm 2 triệu tấn. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở công nghiệp trọng yếu được xây dựng. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn.

Ổn định chính trị - xã hội tiếp tục được giữ vững. Đây là nền tảng để xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chững lại và giảm sút vào cuối thập niên 90, đến năm 2000 đã được chặn lại. Nhìn chung, nền kinh tế vẫn có bước tăng trưởng khá, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nước ta đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 nhằm tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm.

Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi.

Trước bối cảnh những năm gần đây, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế nước ta năm 2014 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái toàn cầu. Sản xuất, kinh doanh nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và các địa phương, nên kinh tế nước ta năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nổi bật của kinh tế nước ta năm 2014, đó là tăng trưởng kinh tế của có dấu hiệu khởi sắc, tăng dần qua từng quý.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013; trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Đây là điều kiện rất quan trọng để nước ta phấn đấu năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,2% và kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%. Những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô năm 2014 cũng đã góp phần cải thiện xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam.

Đầu tháng 11-2014, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc, từ B+ lên BB. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, điểm xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, từ 64,1 điểm lên 64,4 điểm năm 2015.

Về cơ bản, sau gần 30 năm thực hiện đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa thật bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc.

Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu.

Từ những thành công của công cuộc đổi mới cho thấy, đổi mới là quá trình mang tính cách mạng, phù hợp với xu thế phát triển xã hội trong thời đại ngày nay. Ngày nay, trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra mạnh mẽ, toàn cầu hoá kinh tế và quốc tế hoá đời sống xã hội trở thành một xu thế lớn của thời đại, nước ta càng cần kết hợp chặt chẽ yếu tố dân tộc với yếu tố quốc tế, yếu tố truyền thống với yếu tố thời đại để đưa nước ta có bước tiến mới bền vững hơn.

Thực tiễn cũng cho thấy, để đưa công cuộc đổi mới đi tới thành công, không những cần giữ vững được định hướng đúng đắn, mà cần có bước đi, hình thức và cách làm thích hợp. Những sai lầm có thể chỉ là về bước đi, nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả nguy hại. Nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới nảy sinh từ những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế, từng bước cần được bổ sung qua thực tiễn.

Đổi mới để phát triển kinh tế, tạo cơ sở vững chắc cho đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới kinh tế đòi hỏi có sự đổi mới về chính trị; việc xác định cách làm và bước đi thích hợp cho đổi mới chính trị là hết sức quan trọng.

Việc kịp thời rút ra những bài học về giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị nhằm tránh được sai lầm có thể xảy ra, đồng thời giữ vững được ổn định về chính trị, góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới toàn diện…/.

(Theo ĐCSVN)

 

.
.
.