Lãi suất cho vay hiện cao hay thấp?
Chỉ thị 01 ngày 27-1-2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng (NH) an toàn, hiệu quả năm 2015 có nội dung quan trọng là phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1-1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Như vậy, với đà giảm lãi suất cho vay liên tục trong thời gian vừa qua cho thấy, thị trường tín dụng đã cân bằng trở lại.
Ở khía cạnh khác, theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang, trên đà tăng trưởng tín dụng năm 2014, việc tăng trưởng tín dụng năm 2015 sẽ khởi sắc hơn. Trước hết là tình hình kinh tế có phát triển, mặc dù trên thế giới có yếu tố tác động đến NH như diễn biến giá dầu hay một số vấn đề khác nhưng khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng.
Chủ trương của NHNN Việt Nam về tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 cũng được nới hơn, dự kiến tăng từ 13 - 15%. Riêng tại Tiền Giang, để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn hoạt động cho các thành phần kinh tế, NHNN Chi nhánh Tiền Giang cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 16%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.
Lãi suất cho vay hiện đang ở mức thấp. |
Mặt khác, NHNN Việt Nam sẽ căn cứ vào các nhiệm vụ mà Chính phủ giao sẽ đặt ra các gói tín dụng để phát triển kinh tế theo từng giai đoạn, thời kỳ. Riêng tại Tiền Giang, năm 2015 sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo và thực hiện tốt các gói tín dụng đang được triển khai thực hiện trong năm 2014 và kéo dài sang năm 2015 - 2016.
Chẳng hạn như, gói tín dụng hỗ trợ đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 giải ngân đến 31-12-2016 là hết hạn; gói tín dụng hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch đến năm 2020; gói tín dụng về nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hoặc các gói tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ áp dụng trần lãi suất cho vay ở mức thấp nhất, góp phần đưa ngành nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ngày càng phát triển tốt hơn.
Với những động thái như thế, dường như nguồn vốn cũng như lãi suất cho vay không còn là vấn đề đáng quan ngại đối với các DN, bởi dòng tín dụng này đã được khơi thông hơn trước rất nhiều. Song, khi đề cập vấn đề này với lãnh đạo các DN đều nhận được những nhận định khác nhau.
Giám đốc một DN trong ngành lương thực cho rằng, mức lãi suất NH hiện nay cũng chưa thể đánh giá là cao hay thấp, dĩ nhiên mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhiều. Nhiều DN cũng đã tiếp cận được mức lãi suất 6%/năm nên không gọi là cao. Nhưng có thời điểm DN tiếp cận mức lãi suất 18%/năm nhưng DN cũng cảm thấy không cao, bởi ngay lúc này khi lạm phát đang tăng cao, ngành hàng kinh doanh thuận lợi, mức lợi nhuận đạt được cao nên chi phí trả lãi vay cũng không còn là vấn đề lớn.
Còn khi tiếp cận được lãi suất vay NH thấp, nhưng ngành hàng kinh doanh suy thoái, không thu lợi nhuận được nên lãi suất NH cũng là vấn đề lớn. Do vậy, đối với DN, vấn đề cốt lõi là khả năng sinh lợi của đồng vốn bỏ ra mới là quan trọng hơn hết.
Nếu ngành nghề kinh doanh phát triển thuận lợi, ổn định thì DN dễ tính toán hiệu quả hơn. Còn trong lúc ngành hàng có chiều hướng suy thoái, dao động hay khó khăn thì dù có lãi suất vay thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lỗ vốn.
Nhìn ở khía cạnh khác, mặc dù dòng vốn đã được khơi thông, lãi suất cho vay thấp nhưng việc tiếp cận, thẩm thấu nguồn vốn vay cũng chưa hẳn là dễ dàng. Giám đốc một DN cho rằng, dĩ nhiên cũng có một số DN khó tiếp cận nguồn vốn vay do rơi vào nhóm DN có nợ xấu, thậm chí họ vay với lãi suất ở mức cao.
Tuy nhiên, DN cũng phải thông cảm cho NH. NH cuối cùng cũng là một DN nên khi cho vay phải bảo đảm thu hồi được vốn và có lãi. Do vậy, việc NH phân loại DN là điều đương nhiên. Đối với DN thua lỗ liên miên, chắc chắn sẽ không có NH nào dám tiếp tục cho vay.
Đối với các DN trước đây vay tín chấp thì càng bị NH siết lại, cần phải có tài sản bảo đảm. Giai đoạn hưng thịnh của hệ thống NH, các DN làm ào ào, NH phát triển tốt, chưa có tình trạng nợ xấu cao, nên mạnh dạn cho vay. Còn nay ngành hàng có chiều hướng suy thoái trong lúc nợ xấu đang ở mức cao buộc lòng NH phải siết lại. Điều này cũng là tất yếu…
THẾ ANH