Câu chuyện cũ của ngành Nông nghiệp
Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đề cập đến việc người dân ở huyện Tân Phú Đông bán lá mãng cầu Xiêm với mức giá khá cao. Chưa rõ việc thương lái mua lá mãng cầu Xiêm nhằm mục đích gì, nhưng đây có lẽ là một trong những hiện tượng “lạ” của ngành Nông nghiệp ngay đầu năm 2015. Điều này được các chuyên gia cảnh báo là “lợi bất cập hại”, nhưng thực tế vẫn cứ diễn ra.
Nhãn tiêu Huế một thời có giá rất cao nhờ xuất khẩu tiểu ngạch. |
Thế nhưng, nếu soi rọi lại thực tế thời gian qua cho thấy rằng, việc thương lái thu mua lá mãng cầu Xiêm không còn là câu chuyện mới của ngành Nông nghiệp. Bởi ngành Nông nghiệp Việt Nam liên tục chứng kiến những chuyện “lạ” như thế. Đó là hiện tượng thương lái mua hạt, hoa thanh long, mua hạt xoài, mua móng trâu, mua rễ tiêu… cứ liên tục diễn ra. Tiếc rằng, danh sách những thứ “lạ đời” mà thương lái tìm mua tại Việt Nam ngày càng được nối dài.
Thời gian gần đây, thương lái tập trung thu mua tôm tươi nguyên liệu của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họ sẵn sàng mua tôm nhỏ loại 150 con/kg, rồi bơm chích tạp chất để xuất khẩu. Rồi một lúc thương lái lại tận thu các loại nấm, trong đó có cả nấm độc. Họ mua nấm độc để làm gì cũng không ai biết. Gần đây, thương lái ùn ùn thu mua lá dong, nay đến lá mãng cầu Xiêm.
Công bằng mà nói, những thương vụ thu mua như trên ít nhiều đều dính dáng với các thương nhân nước ngoài. Thời gian qua, không ít thương lái nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản, thủy sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, lại mua bán không “nghiêm chỉnh”, ít nhiều đã tác động trực tiếp vào chuỗi mua bán của nhiều loại nông sản, thủy sản, tạo ra những biến động rất lớn về giá, gây khó khăn cho người nông dân.
Thực tế cho thấy, câu chuyện thương nhân nay mua thứ này, mai mua thứ khác luôn là chủ đề “nóng” từ nông thôn ra thành thị suốt nhiều năm qua. Dù mua bán công khai hay lén lút, đa số người nông dân cũng không rõ thương lái mua những thứ đó để làm gì.
Có một thực tế là dù cho mua loại nông sản, thủy sản gì đi nữa thì cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi các thương lái này lẳng lặng bỏ đi, để lại thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Nhưng rất tiếc, những câu chuyện như thế vẫn cứ diễn ra.
Trước thực tế mua bán như thế, Bộ Công thương cũng đã ban hành Công văn 1910 ngày 12-3-2014 về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam gửi Sở Công thương các tỉnh, thành đề nghị các sở, ngành và địa phương phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu và thống kê, rà soát các tổ chức, cá nhân thu gom các mặt hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực chợ đầu mối, cửa khẩu, cảng biển để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chuối cũng một thời có giá rất cao nhờ xuất khẩu tiểu ngạch. |
Trên tinh thần đó, ngay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện một số công việc như:
Thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn “nóng”, có xảy ra vụ việc để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý; cung cấp thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về các hoạt động cũng như các hành vi thu mua nông sản, thủy sản của các thương nhân nước ngoài;
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đàm phán hiệp định song phương và đa phương, để mở rộng thị trường nhằm tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân; tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23 ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”…
Nhưng có lẽ điều mà chúng ta cần làm ngay là ngoài cơ chế giám sát tính hợp pháp hoạt động của các thương lái nước ngoài, điều cốt lõi là nhanh chóng xây dựng cơ chế tự vệ cho ngành Nông nghiệp nhằm thích ứng và kịp thời hội nhập với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế nói chung và liên quan đến ngành Nông nghiệp nói riêng.
Tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp là điều không cần phải bàn cãi vì nó phù hợp và thích ứng với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, tái cấu trúc như thế nào còn là chặng đường dài và nhiều việc phải làm. Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp không đơn giản như tái cấu trúc một doanh nghiệp, bởi nó liên quan đến từng ngõ ngách của cuộc sống người nông dân. Điểm cần lưu tâm là phương thức và kiến thức kinh doanh của người nông dân cũng cần phải tính đến.
Bởi thực tiễn đang diễn ra cho thấy rằng, đối với những biến động thất thường của giá cả các mặt hàng nông nghiệp thời gian qua cũng có phần nguyên nhân từ những kiến thức và phương thức kinh doanh của người nông dân. Người nông dân chỉ vốn quen với việc làm ra sản phẩm, còn kiến thức về kinh doanh, ký kết hợp đồng tiêu thụ ít khi được nhắc đến.
Ngay cả các lớp tập huấn cũng chỉ nghiêng về kỹ thuật canh tác mà chưa chú trọng kỹ năng kinh doanh, tuy điều này là vô cùng quan trọng trong cơ chế kinh tế thị trường. Nên khi nền kinh tế đã mở cửa, nhiều đối tác nước ngoài tham gia, người nông dân lại lúng túng trong phương thức mua bán, dẫn đến rất dễ chịu thua thiệt.
PHƯƠNG ANH