Năm Ất Mùi 2015 - cơ hội bùng nổ kinh tế có kiểm soát
Năm 2014 kết thúc với sự “thở phào” nhẹ nhõm của các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Tỷ lệ lạm phát thấp chưa từng có trong hàng chục năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, ngành Tài chính - Ngân hàng đã cầm cương điều khiển được “con ngựa bất kham” của mình; thị trường bất động sản dần chuyển động theo xu hướng chủ động tích cực có kiểm soát.
Công trình giao thông khởi công ít, khánh thành nhiều, đưa vào sử dụng, đem lại lợi ích có thể cảm nhận được cho nền kinh tế. Dù còn nhiều DN phá sản, ngưng hoạt động, nhưng cũng không thiếu DN trở lại hoạt động, hơn thế nữa số DN thành lập mới đã tăng cao hơn số DN giải thể. Đặc biệt, có nhiều DN “khủng” nhanh chóng xây dựng và đi vào hoạt động.
Trong sảnh các ngân hàng đông đảo kẻ rút, người gửi tiền, kẻ chuyển tiền, người vay…, không còn cảnh vắng như “Chùa bà Đanh” hồi cuối năm 2012, năm 2013. Tóm lại, kết thúc năm 2014 toàn cảnh kinh tế Việt Nam là bức tranh nhiều màu sắc khá sáng sủa.
Doanh nhân đã nghiêm khắc với việc đầu tư tràn lan, gặp đâu làm đó, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, dẫn đến thua lỗ, phá sản… Dự án đầu tư được lựa chọn, sắp xếp lại, có trọng điểm, mạnh dạn cắt bỏ những hậu quả sai lầm, thiếu sót của quá khứ…
Người dân từ công nhân, lao động đến người giàu cũng quen dần với việc chi tiêu theo bài bản, mua cái thật cần xài, không chạy theo danh tiếng hão. Kiểu chi tiền vung vãi “Công tử Bạc Liêu” mua xe sang, đám cưới khủng, nhà cửa, cây cảnh nhất nước, nhất vùng… đã từ từ biến mất.
Tóm lại, một xã hội kinh tế lành mạnh, từ quản trị đến kinh doanh, từ chi tiêu đến đầu tư đã bắt đầu được xác lập. Việc quản lý bằng luật pháp của Nhà nước, tính tự giác của DN, người dân đã và đang được hình thành, đó là khởi điểm cho một sự phát triển bền vững đất nước.
Mùa xuân này cho phép chúng ta lạc quan, kỳ vọng!
Song để kỳ vọng biến thành sự thật nhanh chóng theo mong muốn cần phải làm nhiều việc trong những ngày tháng tới… Trong bài này chỉ xin nói ở phạm vi kinh tế mà tập trung ở hai mảng: Nhà nước và Doanh nhân.
Đối với Nhà nước điều quan trọng nhất là tiếp tục tìm ra các “nút” nghẽn, thắt để loại bỏ; như việc loại bỏ các thủ tục trong hải quan, nộp thuế, đăng ký doanh nghiệp đã làm vừa qua. Những “nút thắt” hiện nay ở các địa phương vẫn còn, nằm ở cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí ở một số đơn vị thực thi công vụ, hoặc ngân hàng, DN. Có những “nút” không quy định bằng văn bản, nhưng khi đến làm việc nhân viên vẫn đòi hỏi cái này cái khác để “hành” dân.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư có trọng điểm vào các công trình hạ tầng cần thiết cấp bách. Đặc biệt làm sao chỉ đầu tư công trình trọng điểm trong thời gian ngắn và trung hạn, đồng bộ có mức kinh phí vừa đủ để sớm kết thúc xây dựng, đưa vào sử dụng, sớm thu hồi vốn (như đã làm trong 2 năm 2013 - 2014), tạo ra thu nhập góp phần tăng trưởng GDP.
Đặc biệt, việc điều hành tài chính - ngân hàng cần tiếp tục nhuần nhuyễn, liên tục, không giật cục, không buông lỏng trong bất kỳ thời gian nào; hình thành thị trường lãi suất ổn định, dài hạn, tăng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn… từ đó DN mới có kế hoạch đầu tư với quy mô lớn để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng kỹ thuật cao (thời gian qua với lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn thì chỉ những DN buôn chuyến là có lợi nhuận).
Vấn đề rất quan trọng cần làm tích cực là phòng, chống, xử lý nghiêm khắc buôn lậu qua biên giới, vì ngoài ảnh hưởng đến thu thuế còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính, điều tiết thị trường và an ninh Quốc gia. Việc thu thuế các hộ sản xuất kinh doanh, sản xuất cá thể cần làm tích cực hơn để bảo đảm nguồn thu Nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và khuyến khích phát triển DN, HTX.
Cần triển khai ngay việc ưu tiên phát triển ngành nghề trọng điểm Quốc gia cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển mạnh, đồng đều, ngành nghề sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
Cần có các chính sách ưu tiên công bằng cho các thành phần kinh tế sử dụng nguồn lực Quốc gia như: Tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tài chính, ngoại tệ, lãi suất. Làm sao cho các thành phần kinh tế trong nước đều có thể tiếp cận ngang nhau đối với nguồn nhân lực do Nhà nước bỏ kinh phí đào tạo.
Đối với nhóm DN là Ngân hàng cần phải tự làm mới mình từ ý thức; chủ động, kiên quyết tách khỏi sự cám dỗ của bất động sản, không để bị nó điều khiển, lôi kéo, sở hữu chéo, sa lầy… Cần tách riêng để sao cho mình với tư cách nhà đầu tư tài chính độc lập đối với bất động sản, từ đó mới có thể tỉnh táo giám sát điều chuyển nguồn vốn của mình cho các doanh nghiệp bất động sản.
Có như vậy mới tạo ra hiệu quả đầu tư cho mình với tư cách nhà đầu tư tài chính và giúp các doanh nghiệp bất động sản, cũng là lo cho mình phát triển bền vững. Ngân hàng phải chủ động tạo ra thị trường lành mạnh. Ngân hàng tự thân cũng là DN, nếu huy động vốn lãi suất thấp thì đầu ra cho vay mới lãi suất thấp được.
Nếu đầu cấp vốn chỉ từ người dân gởi tiết kiệm (đa số gởi ngắn hạn) với lãi suất càng cao càng tốt, thì ngân hàng không thể có đầu ra cho DN vay với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi. Vì vậy việc “cấp vốn” của Nhà nước cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp, thời gian trung và dài hạn là yếu tố bắt buộc phải có, để từ đó ngân hàng thương mại cho DN ngoài quốc doanh vay đầu tư dài hạn.
Cái thời tìm kiếm siêu lợi nhuận “tay không bắt giặc”, “sau một đêm trở thành tỷ phú”, “chạy được một dự án là giàu” sẽ không còn nữa. Quản lý bài bản, đầu tư chiến lược lâu dài, với những kế hoạch phát triển có tính toán phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, của khu vực; sự liên kết, kết nối giữa các khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, giới thiệu, bán hàng, xuất khẩu, thanh quyết toán (liên kết giữa các nhà, các doanh nhân…) đã không chỉ là xu thế của thời đại công nghệ Internet, thời đại toàn cầu hóa mà các nước họ đã làm lâu rồi.
Khi cạnh tranh giá thành sản phẩm, các DN trong nước luôn thua các DN nước ngoài là vốn vay đầu tư nhà xưởng… với lãi suất cao, có khi rất cao. Nếu không được Nhà nước có chính sách “bảo lãnh”, đầu tư gián tiếp hay trực tiếp về vốn thì không có DN ngoài quốc doanh nào có thể vay vốn đầu tư quy mô vừa và lớn sản xuất dài.
Cần phải có luật sử dụng bình đẳng tài nguyên Quốc gia (tài nguyên thiên nhiên, vốn tài chính, khoáng sản, nguồn nhân lực…) trong các thành phần kinh tế trong nước là điều không thể chậm trễ nếu muốn cất cánh nền kinh tế.
Đón Xuân Ất Mùi năm 2015 không chỉ có tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đất nước đã được đặt vào “đường ray” mà còn được Quốc hội tiếp sức đó là thông qua sửa đổi nhiều bộ luật rất có giá trị thực tiễn như Luật Chi tiêu công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai.
Vùng đất cho tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng đang được thu hẹp. Những từ ngữ cửa miệng như “xin”, “cho”, “nhờ cậy”, “giúp đỡ”… sẽ dần rời khỏi cuộc sống và mối quan hệ giữa người dân, DN với những người làm quản lý Nhà nước. Thay vào đó là “việc này không cấm, cứ làm”, “nghĩa vụ này với Nhà nước phải thực hiện”, “nhiệm vụ này của ông, bà phải làm cho tôi” nếu không tôi sẽ kiện ra tòa án và “cảm ơn”, “không có gì”…
Cùng với mùa xuân Ất Mùi, nhiều cơ hội lớn cho một cuộc bùng nổ kinh tế ở nước ta bởi vì nhiều hiệp định thương mại tự do song phương (Việt - Hàn), đa phương được ký kết (Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh thuế quan) xa hơn thì tới TPP, ASEAN thành cộng đồng, cộng với kinh tế thế giới dần ổn định.
Mùa xuân, thiên - địa - nhân giao hòa, thời tiết ấm áp, đất trời tăng năng lượng cho hoa lá, cỏ cây sinh sôi, nẩy nở, cho con người thêm xung lực, khí thế mạnh mẽ vươn lên. Cầu chúc và mong muốn năm 2015 là năm có đột phá lớn cho tăng trưởng kinh tế cao, văn hóa, xã hội phát triển, kết thúc thêm một kế hoạch 5 năm với nhiều thành công ngoạn mục.
TRẦN ĐỖ LIÊM