Năm của doanh nghiệp
Trên bình diện tổng thể, năm 2015 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam với các hoạt động chạy nước rút của các bộ, ngành, địa phương cho kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Bên cạnh đó, năm 2015, Việt Nam dự báo sẽ gặt hái nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và đáng chú ý là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà hoạt động của doanh nghiệp (DN) là trọng tâm, đã đến giai đoạn quyết liệt. Chính vì thế, năm 2015 được xem là năm của DN.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, những động thái gần đây cho thấy dấu hiệu phục hồi của khối DN, tạo đà tăng tốc cho những năm tiếp theo, nhất là trong năm 2015. Điều này được thể hiện qua số DN được thành lập mới trong thời gian gần đây.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã nhận định rằng, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng kết thúc năm 2014 trên địa bàn tỉnh có gần 400 DN được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 1.399 tỷ đồng; có 238 DN đăng ký bổ sung vốn, với tổng số vốn đăng ký bổ sung là 2.773 tỷ đồng.
Lực lượng DN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp khoảng 30% trong tổng GRDP của tỉnh. |
Chính điều này đã góp phần nâng tổng số DN toàn tỉnh lên 5.380 DN, với tổng vốn đầu tư là 38.553 tỷ đồng. “Lực lượng DN trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được sự lớn mạnh và trở thành nòng cốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN đã đóng góp khoảng 30% trong tổng GRDP của tỉnh, nộp ngân sách chiếm 22,3% tổng thu ngân sách địa phương, tạo kim ngạch xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, hàng năm các DN tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động”, ông Trần Văn Dũng nhận xét.
Những kết quả trên cũng chỉ ra rằng, chính các DN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tìm cho mình những lối đi riêng, phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế. Song, công bằng mà nói, song song với nỗ lực của chính bản thân các DN là sự đồng hành, chia sẻ cũng như hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn của các cấp các, các ngành, nhất là sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Có thể nói, chưa bao giờ khối DN được sự quan tâm của tỉnh như hiện nay. Bên cạnh việc tổ chức các đoàn thăm trực tiếp các DN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn tổ chức các buổi họp mặt DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tìm những giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt là trong năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức lấy ý kiến của các DN về những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị để tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết cụ thể.
Trên tinh thần đó, Sở KH-ĐT đã tổng hợp, thống kê, phân nhóm và đề xuất hướng giải quyết các kiến nghị của DN theo từng nhóm kiến nghị cụ thể và đã được đa số DN hài lòng. Mới đây nhất, trong buổi họp mặt DN vào đầu năm 2015, ông Trần Văn Dũng tiếp tục trả lời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của DN trên địa bàn tỉnh.
Qua tổng hợp của Sở KH-ĐT, có 28 ý kiến của 19 DN đã được các sở, ngành liên quan giải quyết, tập trung vào các nhóm: Tài chính liên quan đến tiếp cận nguồn vốn vay, thuế; nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực công và các kiến nghị khác. Đây là những tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy cộng đồng DN tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tiếp tục tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí không chính thức tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với DN theo hướng giải quyết tốt nhất các nhu cầu bức xúc của DN… là thông điệp quan trọng và rõ ràng nhất mà lãnh đạo Sở KH-ĐT đưa ra đối với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh trong năm 2015.
Chưa dừng lại ở đó, tại buổi họp mặt DN đầu năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang còn chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phải khẩn trương giải quyết dứt điểm các kiến nghị của DN và kết thúc trong tháng 3. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư; chỉ đạo ngành Thuế cần thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hoàn thuế, kê khai thuế qua mạng; ngành Ngân hàng cần chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn cho sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ DN vừa vào nhỏ, rà soát lại danh mục nợ xấu, đánh giá khả năng thu hồi vốn…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các DN cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, thực hiện tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực, hợp tác đầu tư và đề cao tính cộng đồng, tăng cường đoàn kết, chăm lo đời sống cho người lao động, xây dựng văn hóa kinh doanh…
Rõ ràng, hiện có quá nhiều kỳ vọng đối với cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng, bởi nó được dựa trên những cơ sở quan lạc quan nhất định. Song bức tranh kinh tế thế giới ngày nay luôn có những biến động khó lường, ngay trong nước cũng luôn có những thay đổi nhanh chóng.
Vấn đề cốt yếu là, nói như TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, DN ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trên địa bàn Tiền Giang nói riêng, dựa trên những thế mạnh hiện có cần được triển khai đi vào chiều sâu, vào chất lượng. Chỉ có dựa trên nên tảng chất lượng tốt, mới có thương hiệu và từ đó mới mong sự phát triển bền vững. Đó là những đòi hỏi đang được đặt ra đối với mỗi đơn vị sản xuất - kinh doanh trong Năm của DN 2015.
PHƯƠNG ANH