Ai được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ lúa gạo?
Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa đông xuân 2014 - 2015. Theo khảo sát, đa số nông dân đều bán được lúa, nhưng giá không cao. Từ đây đặt ra câu hỏi: Ai được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ lúa gạo?
Theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015, tỷ lệ quy đổi lúa gạo là 2:1. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 1-3 đến hết ngày 15-4-2015.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 31-8-2015. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ, với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30-6-2015.
Thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân chất đầy lúa ngoài đồng để chờ thương lái đến mua. |
Có thể nói, việc tạm trữ lúa gạo luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho việc ai có lợi trong chính sách này. Nông dân, doanh nghiệp hay một đối tượng thứ ba? Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông vừa thu hoạch xong 0,4 ha lúa OM4900 và bán ngay tại ruộng, với giá 4.600 đồng/kg.
Ông Hùng cho rằng: “Chúng tôi được biết Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ làm sao cho nông dân có lãi trên 30%. Nhưng thực tế, vụ lúa đông xuân này sau khi trừ chi phí, nông dân lãi chưa đến 20%”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Huỳnh Thị Tỏ cho biết, đến giờ này, huyện đã thu hoạch dứt điểm 11.000 ha lúa đông xuân 2014 - 2015. Tuy năng suất cao, nhưng giá lại quá thấp, khiến nông dân không mấy vui vẻ.
Chính sách tạm trữ cũng không mang lại lợi ích cho người nông dân, mà lợi ích trước mắt thuộc về thương lái và doanh nghiệp. Bởi, nông dân sau khi thu hoạch lúa thì rất cần vốn để trang trải cuộc sống và tái sản xuất trở lại. Vì vậy, giá lúa cao hay thấp thì họ cũng buộc phải bán ngay tại ruộng.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, để tạm trữ 32.000 tấn quy gạo, công ty phải vay 240,850 tỷ đồng từ 4 Ngân hàng Thương mại. Việc tạm trữ lúa gạo nhằm tiêu thụ hết lượng lúa trong dân.
Sau khi tạm trữ, giá lúa gạo có nhích lên và nông dân bán được lúa, đó là những cái lợi của người nông dân. Còn đối với doanh nghiệp, nếu không có đầu ra, giá gạo có chiều hướng đi xuống mà hết thời gian được ưu đãi lãi suất thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận lỗ.
Là một trong những doanh nghiệp có tiềm lực xuất khẩu gạo của tỉnh, ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) cho biết, doanh nghiệp của ông vay 86 tỷ đồng để mua tạm trữ 10.000 tấn gạo.
Năm nay, thị trường lúa gạo tương đối trầm lắng và cũng chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhưng với chức năng và nhiệm vụ của mình, đơn vị cũng tham gia tạm trữ, nhằm giúp cho nông dân tiêu thụ được lúa. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, gây khó khăn cho các doanh nghiệp rất nhiều.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho rằng, chính sách mua tạm trữ là nhằm chia sẻ một phần gánh nặng của nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo vào mùa cao điểm thu hoạch. Về lâu dài cần sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Cơ cấu giống, cơ cấu sản xuất, xuất khẩu hình thành chuỗi giá trị cho hạt gạo Việt Nam là điều cần phải làm ngay tại ĐBSCL. Bởi chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ sẽ khó tồn tại mãi khi hội nhập quốc tế đang diễn ra.
Tại cuộc họp mới đây ở TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, đến nay đã có 6 lần tạm trữ lúa gạo. Việc thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng giá lúa giảm mỗi khi đến thời điểm thu hoạch rộ ở ĐBSCL.
So với 5 lần trước, đây là lần đầu tiên việc thu mua tạm trữ được triển khai sớm từ đầu vụ nên hy vọng sẽ có tác động tích cực đến diễn biến của giá lúa. Hy vọng là vậy, nhưng triển khai thu mua chưa bao lâu thì giá lúa lại xuống thấp, thậm chí dưới mức bắt đầu thu mua tạm trữ. Ông Vũ Văn Tám cho rằng: Việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp can thiệp thị trường, chứ không phải chính sách hỗ trợ nông dân.
Đây là giải pháp mang tính tạm thời, không bền vững. Vì thế, sau khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ, giá lúa gạo sẽ trở về vị trí cũ theo nguyên tắc cung - cầu là điều khó tránh khỏi. “Đến lúc này thì chưa tìm ra giải pháp nào tốt hơn, căn cơ hơn. Nếu các địa phương có những giải pháp nào hay, hiệu quả thì đề xuất với Bộ NN&PTNT để chúng tôi trình lên Chính phủ” - ông Nguyễn Văn Tám đề nghị.
SĨ NGUYÊN
Chỉ còn hơn 2 ngày nữa (ngày 15-4), chủ trương mua tạm trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 1-3 đến 15-4) sẽ kết thúc. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành chỉ tiêu. Theo Sở NN&PTNT, đến ngày 8-4, các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 (bao gồm 7 doanh nghiệp trong tỉnh và 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh) đã cơ bản hoàn thành việc mua tạm trữ lúa gạo, với 91.000 tấn quy gạo, chiếm 100% so với chỉ tiêu được phân bổ. |