Thứ Năm, 02/04/2015, 09:28 (GMT+7)
.

"Giải phóng miền Nam" - bản hùng ca vang vọng

Trong những ngày Kỷ niệm sự kiện 30-4 lịch sử, bản hùng ca Giải phóng miền Nam lại vang vang. Trải qua 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước bài Giải phóng miền Nam vẫn in đậm trong tâm thức của mỗi người dân. Đêm quây quần bên chiếc tivi, xem phim tư liệu, con trẻ hỏi ngây ngô: “Ba ơi! Sao cờ Tổ quốc nửa xanh, nửa đỏ?”. “Ba ơi! Sao hồi xưa chào cờ không hát bài Tiến quân ca mà hát bài Giải phóng miền Nam?”.

Những câu hỏi đại loại như vậy càng có ý nghĩa như bài học thẩm thấu từ thế hệ này sang thế hệ khác về những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với từng bản hùng ca hiệu triệu biết bao trái tim yêu nước, dệt nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng tươi thắm.

Năm 1960, bước ngoặt lịch sử trường kỳ giải phóng miền Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là sách lược đấu tranh sáng tạo của cách mạng Việt Nam, với mục đích đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thực tiễn cách mạng miền Nam lúc bấy giờ đòi hỏi cần phải có lời hiệu triệu làm sức bật cho tinh thần yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (tức Thượng Vũ) thay mặt Trung ương Cục miền Nam gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đồng chí Mai Văn Bộ và ông Huỳnh Văn Tiểng (nhóm Hoàng Mai Lưu) đưa ra đề nghị nhóm sáng tác một bài hát chính thức của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bài hát nghiêm trang, hùng dũng, thể hiện nguyện vọng sâu sắc và khát vọng giải phóng đất nước; đồng thời xây dựng ước mơ về tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhóm Hoàng Mai Lưu hăm hở bắt tay ngay vào việc sáng tác lời và nhạc bài hát Giải phóng miền Nam lần thứ nhất.

Lần đầu tiên bài hát Giải phóng miền Nam được nhóm Hoàng Mai Lưu hồ hởi mang ra hát báo cáo, nhưng các đồng chí Trung ương Cục miền Nam vẫn chưa ưng ý lắm, vì chưa rõ Thành đồng Tổ quốc của miền Nam Việt Nam và nhất là chưa thể hiện được toàn bộ chiến trường khốc liệt của miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.

Không nản lòng, các nhà viết nhạc mang về sửa chữa. Lần thứ hai, thứ ba… Cuối cùng, nhiệt huyết của nhóm Hoàng Mai Lưu cũng làm nên kỳ tích. Những ca từ “Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước” đã tạo nên 1 không khí hừng hực lửa đấu tranh. Và “Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời. Sông núi bao nhiêu năm cắt rời” đã làm sống động hình ảnh đau thương, mất mát mà nhân dân cả nước đã gánh chịu để nối liền khúc ruột miền Nam với Tổ quốc Việt Nam.

Lời bài hát thể hiện nguyện vọng thống nhất đất nước “Vai sánh vai chung một bóng cờ”. Không chỉ những chiến sĩ trực tiếp cầm súng trên chiến trường mà nhân dân cả nước hơn lúc nào hết cũng sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc. Giải phóng miền Nam còn là lời hiệu triệu của cách mạng Việt Nam, nói lên niềm tin sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân miền Nam anh hùng.

Sau khi bài hát ra đời, được Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và ra mắt các đồng chí lãnh đạo ở 48 Nguyễn Du, Hà Nội. Sau đó bài hát được phổ biến rộng rãi mang tính thăm dò, tham khảo ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam.

Cuối cùng khắp chiến trường và trên thế giới đều biết đến bản hùng ca cách mạng Giải phóng miền Nam, trở thành nhạc hiệu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bài hát có sức mạnh tập hợp các tầng lớp nhân dân (kể cả vùng Mỹ ngụy tạm chiếm) vì miền Nam ruột thịt thân yêu.

40 năm sau, nghe và lục tìm tư liệu trả lời con trẻ, càng tin thời gian đủ cho một thế hệ mới trưởng thành trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống và cống hiến xứng đáng với thế hệ đã hoàn thành sứ mạng “Giải phóng miền Nam”, tiếp tục viết tiếp bài ca chiến thắng trong thời kỳ mới.

NGƯỜI SÔNG TIỀN

.
.
.