PCI và câu chuyện 10 năm
Lần thứ 10, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-Provincial Competitiveness Index) đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 16-4, cho thấy sự chuyển dịch của các tỉnh, thành trong cả nước. Một lần nữa, PCI 2014 của Tiền Giang lại rớt hạng khá sâu.
Theo đó, PCI năm 2014 của Tiền Giang chỉ đạt 55,11 điểm, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành và xếp hạng 12/13 tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xếp trên Cà Mau và được xếp vào nhóm Tương đối thấp. Nếu so với năm 2013, PCI năm 2014 của Tiền Giang giảm 2,08 điểm; từ xếp hạng 37/63 năm 2013 rớt xuống hạng 52/63; từ nhóm Khá rơi xuống nhóm Tương đối thấp.
Sơ đồ diễn biến chỉ sốPCI của Tiền Giang qua 10 năm (2005-2014): |
Nếu soi rọi vào cơ cấu các chỉ số thành phần PCI năm 2014 của Tiền Giang có thể thấy rằng, Chỉ số cạnh tranh bình đẳng có điểm số thành phần thấp nhất (chỉ đạt 3,72 điểm, năm 2013 là 6,39 điểm); kế đến là Tính năng động chỉ đạt 4,13 điểm; Đào tạo lao động chỉ đạt 4,67 điểm; Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chỉ đạt 5,44 điểm…
Nếu tính chung 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI năm 2014, Tiền Giang có đến 7 chỉ số thành phần giảm điểm, chỉ có 3 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch và hỗ trợ DN. Trong khi đó, mức tăng của các chỉ số không nhiều nhưng mức giảm ở một số chỉ số lại khá sâu. Điều này dẫn đến tổng số điểm mà Tiền Giang đạt được trong năm 2014 là tương đối thấp.
Đây không phải là lần đầu tiên PCI của Tiền Giang bị rớt hạng. Theo thống kê, trong 10 lần PCI được công bố, PCI của Tiền Giang chỉ có 3 lần tăng hạng (vào năm 2007, 2009 và 2012). Một lần duy nhất Tiền Giang được xếp vào nhóm Tốt (năm 2009 đạt 65,81 điểm, xếp hạng 9/63 tỉnh, thành); đa số các năm được xếp vào nhóm Khá, chỉ duy nhất PCI năm 2014 của Tiền Giang được xếp vào nhóm Tương đối thấp.
Tất nhiên, điều này một phần là do điểm số hàng năm của Tiền Giang đạt được tương đối thấp và có xu hướng giảm. Công bằng mà nói, số điểm của Tiền Giang giảm đi sau mỗi năm là không lớn nhưng do sự trỗi dậy của các tỉnh, thành khác nên mức xếp hạng PCI hàng năm của Tiền Giang cũng có xu hướng giảm.
Điểm đáng chú ý trong PCI của Tiền Giang là có một số chỉ số thành phần có điểm số tương đối thấp và kéo dài nhiều năm, chẳng hạn: Chỉ số Hỗ trợ DN, đào tạo lao động, tính năng động… Các chỉ số này hàng năm cũng có sự biến động, nhưng điểm số luôn ở mức thấp, đã phần nào ảnh hưởng đến điểm số chung của PCI Tiền Giang.
Đánh giá chung cho thấy rằng, qua 10 năm điểm số PCI của Tiền Giang không cải thiện đáng kể và có xu hướng sụt giảm kể từ năm 2010. Tuy nhiên, xét về tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư, DN đánh giá Tiền Giang cũng đã tạo được sân chơi bình đẳng, ít có sự phân biệt giữa các loại hình DN. Còn nếu xét trong mặt bằng khu vực, ĐBSCL luôn là khu vực có nhiều tỉnh, thành được đánh giá có PCI Tốt và Rất tốt, đồng thời cũng là khu vực năng động trong việc cải thiện PCI.
Đa số các tỉnh được đánh giá ở mức xuất phát điểm là Khá, sau đó đều vượt lên ở mức Tốt và Rất tốt. Đa phần các tỉnh vùng ĐBSCL có đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đối giống nhau nhưng nhiều tỉnh đã đạt được sự nổi trội cũng như sự cải thiện tốt về PCI như: Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh...
So với các tỉnh trong vùng, ngoại trừ năm 2009, Tiền Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh có PCI cao; trong các năm còn lại, PCI của Tiền Giang còn khá khiêm tốn, đặc biệt PCI năm 2013 và năm 2014 của Tiền Giang chỉ xếp trên PCI của Cà Mau.
Thống kê chỉ số PCI của Tiền Giang qua 10 năm (2005-2014):
Năm |
Điểm |
Xếp hạng |
2005 |
55,90 |
27/42 (1) |
2006 |
52,32 |
33/63 |
2007 |
64,63 |
12/63 |
2008 |
57,27 |
21/63 |
2009 |
65,81 |
9/63 |
2010 |
59,63 |
24/63 |
2011 |
59,58 |
31/63 |
2012 |
57,63 |
29/63 |
2013 |
57,19 |
37/63 |
2014 |
55,11 |
52/63 |
Công bằng mà nói, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến việc cải thiện PCI của Tiền Giang. Bằng chứng là có rất nhiều hội nghị đã được tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhằm chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, tìm những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện PCI của tỉnh. Nhiều hoạt động hỗ trợ DN cũng được các sở, ngành và UBND tỉnh tổ chức thực hiện.
Mới đây nhất là trong năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1420 về việc rà soát việc thực hiện hỗ trợ DN tác động đến PCI Tiền Giang. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội DN tỉnh và yêu cầu các sở, ngành tỉnh (nhất là ngành Thuế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động, Nông nghiệp, Công thương, Ngân hàng…) rà soát theo hệ thống ngành từ tỉnh đến cơ sở việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, báo cáo cụ thể kết quả hỗ trợ, có so sánh với các địa phương khác, từ đó đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở KH-ĐT chủ trì tổng hợp các nội dung do các ngành và Hiệp hội DN tỉnh báo cáo gắn với việc nghiên cứu, phân tích đánh giá sâu các trọng số thành phần trong chỉ số PCI của Tiền Giang, chú ý phân tích những trọng số không được đánh giá cao (không chỉ riêng vấn đề hỗ trợ DN) và đề xuất biện pháp khắc phục.
Thế nhưng, việc cải thiện PCI là một điều thật không đơn giản. Một mặt là do sự trỗi dậy của các tỉnh, thành. Mặt khác còn do các yếu tố tác động. Gần đây, khi đề cập về việc cải thiện PCI của Tiền Giang, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho rằng, để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại tỉnh, Sở KH-ĐT đã phối hợp với các ngành và các địa phương xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 193/KH-UB ngày 25-9-2014 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Theo đó, trước mắt tỉnh phải tập trung cải thiện các tiêu chí thành phần của môi trường đầu tư đang bị DN đánh giá thấp như: Dịch vụ hỗ trợ DN, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Chi phí gia nhập thị trường, Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, Đào tạo lao động...
Theo Sở KH-ĐT trong các tiêu chí trên, cải thiện tiêu chí Dịch vụ hỗ trợ DN có lẽ là rất khó thực hiện. Để cải thiện tiêu chí này, một mặt phải nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ DN từ các cơ quan Nhà nước, các đơn vị dịch vụ công của Nhà nước, nâng cao vai trò của Hiệp hội DN.
Điều quan trọng nhất là phải khuyến khích nhanh sự phát triển của các đơn vị dịch vụ tư vấn đầu tư của tư nhân để tham gia một cách có hiệu quả vào công tác hỗ trợ về pháp lý, về lập dự án đầu tư, về khảo sát và đánh giá môi trường đầu tư, về lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục đầu tư…
Hiện nay, các đơn vị tư vấn đầu tư tư nhân tại tỉnh chủ yếu là ở lĩnh vực tư vấn về xây dựng, chỉ mới có một vài DN tham gia dịch vụ tư vấn đầu tư nhưng chất lượng hoạt động cũng chưa cao. Đối với đơn vị dịch vụ công hiện nay chỉ có Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch làm dịch vụ công về tư vấn đầu tư. Chính vì vậy, trong dài hạn, tỉnh cần có chính sách và giải pháp cụ thể để phát triển các đơn vị dịch vụ tư vấn đầu tư tư nhân…
THẾ ANH
(1) Năm 2005 PCI chỉ khảo sát trên 42 tỉnh, thành