Thứ Sáu, 03/04/2015, 09:00 (GMT+7)
.

Quyền lợi người tiêu dùng bị "xâm hại" và vai trò của Hội

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Sau hơn 3 năm thực thi, dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng câu chuyện bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn nhiều trắc trở, khó khăn. Trong thời gian qua, câu chuyện về những chai nước chứa dị vật của Tân Hiệp Phát lại một lần nữa làm “nóng” dư luận và có nhiều bàn luận nhất.

Người tiêu dùng cần lên tiếng và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phải phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi NTD khi bị “xâm hại” (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Người tiêu dùng cần lên tiếng và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phải phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi NTD khi bị “xâm hại” (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Câu chuyện trên cũng chỉ là một trong những trường hợp điển hình trong hàng ngàn trường hợp mà NTD đang gặp phải hàng ngày vì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang hiện diện khắp nơi. Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện 17.396 vụ kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 24,2% so với năm 2013) và 59.056 vụ vi phạm gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm (tăng 14,6%). Đó là chưa kể những vụ việc nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD và cuộc sống của họ.

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định, NTD có đến 8 quyền năng cơ bản. Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát ở 1.500 NTD trên 10 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiến hành cho thấy, có đến 70% NTD được trang bị kiến thức cơ bản về tiêu dùng, về mua sắm hàng hóa dịch vụ; 60% NTD biết được quyền và trách nhiệm của mình; 76% NTD biết được cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như NTD vẫn chưa thực sự biết và hiểu các quyền năng cơ bản của mình. Trong khi đó, một bộ phận NTD hiểu được các quyền của mình thì lại có tâm lý e ngại trong việc sử dụng các quyền của mình, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh hiện có 16 Chi hội Khối Cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh; 2 Câu lạc bộ (CLB Nữ tiêu dùng và CLB Nông dân tiêu dùng); 6 tiểu ban; 10 hội thành viên và 129 tổ hòa giải tại các chợ trong tỉnh, với tổng số hội viên hiện có là 1.827 hội viên nhưng trong năm 2014 các cấp Hội Bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh Tiền Giang chỉ tiếp nhận giải quyết 81 vụ khiếu nại của NTD...

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cho rằng, mạng lưới tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD còn mỏng. Tốc độ hoàn thiện bộ máy bảo vệ quyền lợi NTD chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường. Nguồn nhân lực hạn chế, tình trạng cán bộ kiêm nhiệm, thậm chí một số nơi không có cán bộ chuyên trách, cán bộ thiếu kinh nghiệm...

Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho hoạt động của tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi NTD chưa được bảo đảm. Các hạn chế trên là một trong những nguyên nhân làm cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cũng đã đề ra 4 giải pháp: Nâng cao nhận thức người tiêu dùng; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD; nâng cao năng lực Hội Bảo vệ quyền lợi NTD và thiết lập đường dây nóng bảo vệ quyền lợi NTD.

Có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi NTD. Đó là nâng cao nhận thức NTD; tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ NTD... Trong số đó, có 2 giải pháp cốt lõi cần làm là nâng cao nhận thức NTD và cải tổ hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD.

Riêng các chuyên gia thì cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình, NTD cần phải thay đổi nhận thức, chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức như tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hoặc chống gian lận thương mại...

Mặt khác, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm, chính sách và hệ thống kinh doanh thỏa mãn các nhu cầu của NTD, tạo sự tin cậy cho NTD. Đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi bảo vệ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.