Việt Nam và dấu ấn IPU 132
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động", Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28-3 - 1-4 đã kết thúc tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm đối với các đoàn khách quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chúc mừng thành công IPU-132. Ảnh: TTXVN |
Sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất từ trước đến nay
IPU-132 đã thu hút sự tham gia của hơn 160 đoàn khách quốc tế bao gồm các Nghị viện thành viên IPU, thành viên liên kết, các tổ chức và khách mời quốc tế. Tổ chức IPU-132 là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng của Việt Nam.
Đây là dịp để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú; qua đó cũng khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam đối với IPU.
Bên lề IPU-132 cũng đã diễn ra hàng chục cuộc tiếp đón; tiếp xúc song phương; hội đàm và tiệc chiêu đãi nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước; các tổ chức liên nghị viện khu vực; các tổ chức quốc tế, các vị khách mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường các mối quan hệ, hợp tác lâu dài, bền vững.
Thông qua đó đã thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ và chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Việt Nam.
Tuyên bố Hà Nội - một di sản của Việt Nam vào IPU
Đại hội đồng IPU-132 đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội, văn bản quan trọng phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Tuyên bố khẳng định lấy người dân làm trung tâm, thực hiện quyền con người, tôn trọng luật pháp quốc tế; thúc đẩy nghị viện các quốc gia nỗ lực hành động, thực hiện cam kết, ban hành luật pháp, phân bổ ngân sách, phù hợp đặc điểm của mỗi nước; đảm bảo các chính phủ có trách nhiệm với những mục tiêu đã cam kết.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định: Tuyên bố Hà Nội là di sản, đóng góp của Việt Nam cho Liên minh Nghị viện thế giới. IPU sẽ trình văn kiện này lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9-2015.
Tuyên bố Hà Nội với thông điệp rõ ràng về vai trò của Nghị viện trong việc thực hiện Chương trình phát triển sau 2015 là đóng góp thiết thực của Nghị viện và nghị sỹ các nước trên thế giới với giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế. Sau Đại hội đồng, mỗi Nghị viện sẽ thực hiện tốt hơn những cam kết được thể hiện tại Hà Nội.
Có thể nói, việc thông qua Tuyên bố Hà Nội đã ghi dấu ấn Quốc hội và nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch IPU-132 là sự kiện trọng đại trong lịch sử Quốc hội
Sự kiện đáng chú ý tại IPU lần này là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí 100% bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132. Đây là một trọng trách hết sức to lớn, nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào. Bởi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 sẽ điều hành và cùng tham gia quyết định những vấn đề mà Đại hội đồng thảo luận.
Ngoài ra, sự kiện này còn có ý nghĩa đặc biệt, là cơ hội để chúng ta thể hiện được đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Minh chứng của việc Hội nhập sâu rộng ở diễn đàn này, là chúng ta đã tập hợp được hàng trăm đoàn nghị sỹ khắp các châu lục trên thế giới tới Việt Nam để bàn về một vấn đề gắn liền với sự phát triển của đất nước và nhân dân Việt Nam nhưng lại có phạm vi liên quan mật thiết tới toàn nhân loại.
Đồng thời, qua đó còn thể hiện sự tín nhiệm và uy tín của Việt Nam nói chung, Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Là một thành viên của IPU từ năm 1979, đến nay, Việt Nam đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sáng kiến hiệu quả cho IPU. Đó cũng là cơ sở để IPU tin tưởng giao cho Việt Nam tổ chức Đại hội đồng lần này.
Sự kiện này cũng là minh chứng cho những thành công trong hội nhập quốc tế của Việt Nam và vị trí vai trò của Việt Nam đã được nâng lên mạnh mẽ như một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng đều được thông qua
Đây được xem là dấu ấn của IPU-132. Các Ủy ban Thường trực của IPU đã thông qua 3 Nghị quyết về “Chiến tranh mạng – mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”; Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”; Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.
Ngoài ra, Đại hội đồng IPU đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
Cũng tại Đại hội đồng, các Ủy ban đã thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến hòa bình và an ninh, phát triển kinh tế, thương mại, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, quản trị nước, chống khủng bố...
Các đại biểu đã nêu giải pháp cụ thể của nước mình, đồng thời cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện các nước, giữa các quốc gia, trong đó có vai trò rất quan trọng của Quốc hội, Nghị viện các nước nhằm xây dựng và bảo đảm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động.
Tại các phiên họp của các Ủy ban, Đoàn Việt Nam đã phát huy cao nhất vai trò nước chủ nhà, trách nhiệm thành viên IPU, chủ động, tích cực đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất thiết thực và đã nhận được sự đồng thuận cao của các đoàn.
Ấn tượng từ nhiều hoạt động bên lề IPU
Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, hàng loạt các sự kiện như Hội nghị Nữ Nghị sỹ; Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Hội nghị Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ, Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh..., Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh như nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, phân bổ nguồn lực hợp lý cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và tiếp tục nghiên cứu để có những mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, lồng ghép giới trong toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cũng cam kết với Hội nghị Nữ nghị sĩ là sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ hơn, lồng ghép giới trong hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi hiệu quả và quan tâm tới phân bổ nguồn lực để đảm bảo cho các mục tiêu giới của Việt Nam…
Kết thúc IPU-132, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá cao sự điều hành xuất sắc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đồng thời là Chủ tịch IPU-132; cho rằng công tác tổ chức của nước chủ nhà đã vượt hơn cả mong đợi; kết quả đạt được của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam đã nâng tầm giá trị của IPU, góp phần định hình xu hướng mới trong hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới, trong đó tập trung vào giải pháp và hành động hơn là chỉ dừng lại nhận định tình hình, thực sự biến lời nói thành hành động.
Có thể khẳng định rằng tất cả chúng ta cùng nhau vui mừng về thành công tốt đẹp của Đại hội đồng IPU 132 - thành công đặc biệt quan trọng này sẽ được lan tỏa đến hàng tỷ người dân trên toàn cầu.
Việc thông qua Tuyên bố của IPU tại Hà Nội và các Nghị quyết quan trọng, khẳng định vai trò của IPU không chỉ là diễn đàn hợp tác Nghị viện đa phương lớn nhất thế giới; mà IPU còn đồng hành cùng Liên hợp quốc xây dựng Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững trên toàn cầu của chúng ta sau năm 2015.
(Theo dangcongsan.vn)