Hoan hô Tigifood!
Thế là đơn vị mua bán lúa gạo tầm cỡ nhất của Tiền Giang - Công ty Lương thực Tiền Giang/Tigifood - đã nhảy sâu vào trận địa sản xuất lúa gạo của bà con nông dân, cùng gỡ rối và thoát dần cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đầu vào thì dốc của, dốc công diệt sâu trừ cỏ, đầu ra giá cả lại cứ bấp bênh nhảy lên, nhảy xuống…
Thông tin đầy hoan hỉ đăng trên báo Ấp Bắc số ra ngày 17-4-2015: “Vụ đông xuân 2014 - 2015, lần đầu tiên Tigifood triển khai mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) rộng khắp tại 21 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn 8 huyện với 1.946 ha của 2.150 hộ”. Sau đó là những con số nói lên số diện tích, số hộ tham gia, kết quả bước đầu công ty đã làm được…
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Tigifood. Ảnh: Vân Anh |
Công ty đã liên kết với 2 đơn vị là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang và Công ty TNHH MTV hóa nông Hợp Trí đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật canh tác (ứng trước không tính lãi trong 4 tháng) và bao tiêu sản phẩm.
Kết thúc vụ đông xuân, cho đến nay tổng số lúa mà Tigifood đã mua được là 19.556 tấn quy khô của 72% diện tích. Đây là sản lượng lúa cao nhất mà Tigifood thu mua được từ khi có chủ trương liên kết sản xuất theo CĐL đến nay. Lần này Tigifood còn linh hoạt hỗ trợ nông dân là mua cả lúa khô và lúa tươi nhưng có giá hỗ trợ hợp lý cho lúa khô.
Mặt hạn chế là sản lượng lúa mua được hơn 64% là lúa thường (IR50404), lượng lúa thơm theo yêu cầu chỉ chiếm 14%. Phần khác do khách quan là hệ thống giao thông thủy, bộ ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều yếu kém làm khó khăn việc vận chuyển. Đối với các công ty, hiệu quả và lợi ích “chưa thật sự rõ nét”(Dùng từ khó hiểu:“chưa thật sự rõ nét” là gì? Lời hay lỗ?).
Một số bà con nông dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm khi tham gia CĐL, coi đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, phải hỗ trợ thu mua lúa cao hơn giá thị trường. Vẫn còn tỷ lệ khá lớn phá vỡ “cam kết theo hợp đồng đã ký”, bán lúa ra bên ngoài…
Trong bài viết không thấy nói rõ có hợp đồng được ký, ràng buộc trách nhiệm của các bên như thế nào? Bài viết còn chưa nói rõ Tigifood vừa qua đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa gạo với ai, có bảo đảm độ bền vững không, sắp tới còn có thể mở rộng, tăng thêm không…?. Rất tiếc, bài viết còn chưa nói rõ một số điều quan trọng làm người đọc còn nhiều băn khoăn.
Dù sao, mừng vẫn rất đáng mừng, hoan hô vẫn rất xứng đáng hoan hô. Tigifood đã mở được một đột phá vào cửa đầu ra của sản xuất lương thực. Đây là thời cơ lớn để các ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, các tổ hợp tác gắn chặt vai trò, trách nhiệm xông vô củng cố, nâng chất đơn vị mình, cùng xã viên, tổ viên áp dụng khoa học - công nghệ, các phương pháp canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng cây lúa, hạt gạo, đủ uy tín đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Hội Nông dân tăng cường “o bế” giai cấp mình, rèn luyện học tập thành những nông dân @, nông dân chuyên nghiệp, có giác ngộ chính trị tốt. Tigifood bước đầu đã liên kết tốt với Công ty cổ phần BVTV An Giang là một thuận lợi rất lớn để học tập kinh nghiệm của đơn vị này.
Công ty cổ phần BVTV An Giang cùng với Công ty TNHH MTV hóa nông Hợp Trí hỗ trợ vốn vay cho bà con nông dân mình, thật đậm tình, đẹp nghĩa! Sắp tới mình còn phải phối hợp liên kết với nhiều doanh nghiệp, hoặc vận động họ độc lập đầu tư cho nông nghiệp về hạ tầng cơ sở như sân phơi, lò sấy, chà lau bóng gạo, kho chứa, phương tiện vận chuyển…
Các cơ quan, ngành, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, có chức năng phối hợp, liên kết trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tất nhiên càng tăng cường trách nhiệm của mình, cùng bà con nông dân xây dựng 3 trụ cột nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân tiên tiến và nông thôn mới.
TRẦN QUÂN