Thứ Hai, 18/05/2015, 08:03 (GMT+7)
.

Trông người mà ngẫm đến ta

Câu chuyện thời sự nông nghiệp mấy tuần qua là việc nhiều loại trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long rớt giá thê thảm, một “điệp khúc” quen thuộc của “bài ca chưa viết hết lời”. Đây là một thực trạng không mới và lý giải nó cũng không khó, nhiều chuyên gia đã phân tích; vấn đề là ai sẽ là người cầm trịch cho cuộc cách mạng trong ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực cây ăn trái nói riêng. Tái cấu trúc ngành, chủ trương đã được Chính phủ đặt ra, tuy nhiên để triển khai hiệu quả cần nhiều nỗ lực đồng bộ và thời gian thực hiện.

Khách tham quan gian hàng trái cây tại Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I tại Tiền Giang.
Khách tham quan gian hàng trái cây tại Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I tại Tiền Giang.

Cách đây 5 năm, tại Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I tổ chức ở Tiền Giang, nhiều chuyên gia đánh giá tiềm năng trái cây Việt Nam rất lớn nhưng lại lép vế trên sân chơi thế giới. Lúc đó ông Huỳnh Văn Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, rào cản cho trái cây Việt vươn xa là nguồn cung ứng manh mún, hệ thống kho lạnh, quản lý chất lượng bị giới hạn, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm, vấn đề truy nguyên nguồn gốc cũng như quản lý tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng; tổn thất sau thu hoạch còn cao…

Điều đó lý giải tại sao Việt Nam là nước sản xuất rau quả đạt sản lượng lớn đứng thứ 5 ở châu Á, nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu còn rất ít. Hạn chế 5 năm trước đã được chỉ ra, nhưng nay vẫn còn nguyên chưa có những chuyển biến rõ nét.

Người viết còn nhớ PGS. TS Nguyễn Minh Châu, khi đó là Viện trưởng Viện  Cây ăn quả miền Nam, đã nói với các nhà báo trước khi diễn ra Hội thảo quốc tế “Trái cây Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế” tại Festival: “Chúng ta nói hoài về vùng chuyên canh trái cây, về phát triển kinh tế hợp tác nhưng chẳng đi đến đâu. Hãy để cho những chuyên gia từ các nước, lãnh thổ đã thành công nói sẽ thuyết phục hơn”.

Và tại hội thảo đó, câu chuyện không để nông dân “tự bơi” của GS. Ming Hsiung Lu (Đại học Quốc gia Chiayi, Đài Loan) được nhiều người chú ý. Theo ông Ming, diện tích sản xuất nông hộ của Đài Loan na ná Việt Nam, bình quân mỗi hộ chỉ có 1,1 ha; vì thế làm thế nào để nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân là vấn đề đặt ra. Sự yếu kém trong công tác tiếp thị trái cây của nông dân là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Vì thế, năm 1992 tại Đài Loan đã ra đời nhóm nông dân sản xuất và tiếp thị, những nhóm này tổ chức theo hình thức tự nguyện do những nông dân trồng cùng một loại cây, nằm liền kề nhau gom lại; từng nhóm từ 10 - 20 nông dân với diện tích từ 15 - 30 ha hợp lại. Hiện tại Đài Loan có khoảng 2.256 nhóm nông dân sản xuất và tiếp thị với 47.613 hộ nông dân tham gia (gồm 94.211 ha, chiếm 56% diện tích cây ăn trái).

Hoạt động của các nhóm này theo 3 hình thức: Hội Nông dân, hợp tác xã (HTX) tiếp thị trái cây và HTX nông nghiệp chịu trách nhiệm về mặt quản lý hành chính và các trung tâm khuyến nông chịu trách nhiệm về tổ chức và chuyển giao kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các nhóm sản xuất và tiếp thị trái cây sẽ họp định kỳ 1 - 2 tháng/ lần với sự tham gia của các cán bộ khuyến nông cấp tỉnh.

Tại cuộc họp này, các nông dân sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhóm để cả nhóm cùng thảo luận, qua đó các thành viên có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau, từ đó nâng cao kỹ thuật nên trồng dễ thành công. Các thành viên tham gia của nhóm có thể trao đổi thông tin với nhau về thị trường, giá cả, thỏa thuận nhau về giá cả đầu ra, cũng như kinh nghiệm giảm giá thành đầu vào. Nhiệm vụ của công tác tiếp thị thông qua kiểm soát toàn bộ chất lượng có thể làm tăng thêm giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho nông dân.

Còn ông Sakda Sinives, Phòng Phát triển chất lượng Nông sản (Cục Khuyến nông Bangkok, Thái Lan) thì thẳng thắn cho rằng: Việt Nam có nhiều loại trái cây hơn Thái Lan nhưng nhà vườn Việt Nam không theo kịp nông dân Thái Lan. Vì thế, Việt Nam cần chú trọng vào phát triển và giải quyết các vấn đề cho những loại trái cây có giá trị thương mại như thanh long, vú sữa, xoài…; sản xuất trái cây chất lượng phục vụ người tiêu dùng; khuyến khích để có cơ chế thị trường trong nước hiệu quả và gia nhập FTA để có được những lợi ích dài lâu.

Những kinh nghiệm trên đây thật ra cũng không mới, nhưng chúng ta vẫn chưa thể chắt lọc, vận dụng để có thể tạo ra cơ hội cho trái cây Việt Nam vươn xa. Chúng ta cũng đã có những HTX sản xuất, tiêu thụ trái cây theo tiêu chuẩn GAP, nhưng số hoạt động hiệu quả không nhiều, thậm chí có HTX đã tan rã.
 5 năm sau Festival Trái cây lần thứ I, nhiều vấn đề về cơ hội, thách thức của trái cây Việt Nam đã được các nhà khoa học mổ xẻ, phân tích vẫn còn bỏ ngỏ.

Và trong bối cảnh hiện nay khi mà chúng ta chuẩn bị hội nhập sâu về kinh tế thì vấn đề càng thúc bách hơn. Bởi theo các chuyên gia, các sản phẩm nông nghiệp sẽ là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất với dự báo “5 ăn 5 thua” khi Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập.

Và như thế, bài toán tìm đầu ra cho nông sản nói chung, hay mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái cây Việt Nam phát triển bền vững nói riêng, vẫn tiếp tục nan giải; tất cả đặt ra cho lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải có những động thái quyết liệt hơn nữa để tìm lời giải trong thời gian tới.

DUY SƠN

.
.
.