Thứ Hai, 11/05/2015, 14:26 (GMT+7)
.

Xoay quanh câu chuyện "giải cứu" nông sản

Thời gian vừa qua, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu liên tục suy giảm mạnh cả về giá và lượng. Điển hình nhất vẫn là câu chuyện tiêu thụ và rớt giá của dưa hấu và hành tím. Biện pháp “giải cứu” sau đó là kêu gọi “tình thương” của cộng đồng xã hội. Với dưa hấu, đa số người mua ủng hộ là người dân, cơ quan, đoàn thể. Đối với hành tím, một số siêu thị, công ty ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã “ giải cứu”  khoảng 500/50.000 tấn tồn đọng.

Dưa hấu hiện có giá bán, chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/kg (ảnh chụp một điểm bán dưa hấu ven Quốc lộ 50, đoạn qua xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).
Dưa hấu hiện có giá bán, chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/kg (ảnh chụp một điểm bán dưa hấu ven Quốc lộ 50, đoạn qua xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).

Con số nói trên thật sự vẫn còn khá nhỏ so với lượng nông sản đang ùn ứ cần được giải quyết. Hơn nữa, cách xử lý nói trên vẫn chỉ mang tính thời vụ. Hay như trong buổi làm việc gần đây với các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, một vị lãnh đạo Sở Công thương của thành phố từng cho rằng, mấu chốt là các tỉnh phải xác định được sản phẩm chủ lực, khả năng cung ứng, còn các nhà phân phối xác định sản lượng tiêu thụ... để tạo đầu ra cho sản phẩm một cách căn cơ, lâu dài, chứ không thể chạy theo giải quyết tình thế như hiện nay mãi.

Sẽ càng bất lực hơn khi nhìn lại các mặt hàng trái cây tươi khác như: Xoài, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm... cũng gặp tình trạng tương tự trong nhiều năm qua mỗi khi đến kỳ thu hoạch. Và thực tế này đang diễn ra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang đang vào mùa thu hoạch rộ trái cây nhưng nhà vườn rất khó khăn trong việc tiêu thụ.

Theo nhiều nhà vườn trồng xoài cát chu ở huyện Cái Bè, hiện xoài cát chu đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng thương lái chỉ mua với giá khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi cách đây 1 tháng, thương lái đến tận vườn mua với giá khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg. Hay như trường hợp của nhiều nông dân trồng thanh long ở xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) luôn lo lắng vì giá thanh long lên xuống thất thường.

Ông Trương Văn Đời (ngụ xã Mỹ Tịnh An) cho biết, gia đình ông trồng 1.000 gốc thanh long ruột đỏ nhưng 2 tháng nay cứ lo lắng vì giá thanh long ruột đỏ “lên ít, xuống nhiều”. Có lúc thương lái mua 60.000 đồng/kg, khi thì 40.000 đồng/kg, lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg. Dự báo giá thanh long còn giảm nữa, khi nhiều nơi đồng loạt thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi.

Hay như giá sầu riêng đầu mùa chính vụ, loại 1 bán ra tại vườn hiện chỉ 25.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg cách nay 3 tháng (nghịch vụ). Với mức giá như hiện tại, nhà vườn chỉ huề vốn hoặc lời ít. Thế nhưng, thương lái rất kén hàng, phải đeo bám thương lái mới chịu vào vườn thu hoạch.

“Chua chát” nhất vào thời điểm này chính là những người trồng ổi. Hiện giá ổi bán tại vườn chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Mang 2 giỏ ổi không hạt ra chợ An Hữu (huyện Cái Bè) bán, bà Bùi Thị Năm (ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) buồn rầu: “Năm nay vườn ổi trúng mùa nhưng ngặt nỗi nhà ai cũng thu hoạch nên giá bán chỉ 10.000 đồng/3 kg mà các chủ vựa, thương lái còn không muốn mua”.

 Thanh long hiện được nhiều người đổ đống bán ven Quốc lộ 50 (đoạn từ TP. Mỹ Tho về huyện Chợ Gạo) với giá chỉ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg.
Thanh long hiện được nhiều người đổ đống bán ven Quốc lộ 50 (đoạn từ TP. Mỹ Tho về huyện Chợ Gạo) với giá chỉ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg.

Cung không đến được cầu luôn khiến cho người nông dân gánh chịu rủi ro lớn, bất kể được mùa hay mất mùa. Đấy là loại bất trắc mới, ngoài những yếu tố tất nhiên như thời tiết, sâu bệnh mà người nông dân buộc phải đối mặt trong nền kinh tế thị trường. Nông sản không bán được, thường xuyên phải đổ đi, không chỉ là biểu hiện lãng phí nguồn lực sản xuất mà còn cho thấy những bất cập sâu xa hơn của một nền nông nghiệp manh mún.

Hơn thế nữa, nhiều người vẫn thường đổ lỗi cho nông dân là sản xuất tự phát, chạy theo phong trào... Nhưng “quy kết” như vậy là thiếu công bằng, khi người nông dân trong nỗ lực gia tăng thu nhập trên mảnh đất của mình chỉ có thể nhìn thấy lợi nhuận trước mắt từ một loại nông sản nào đó mà không thể hình dung ra chuyện “sẽ ra sao ngày sau?”.

Họ gia tăng sản xuất trong tình trạng mù thông tin về thị trường, về quy hoạch các loại nông sản; họ không nhận được các dịch vụ tư vấn, các khuyến cáo, cảnh báo từ cơ quan, ban, ngành, các hiệp hội...

Sau công cuộc “giải cứu” dưa hấu, hành tím, vấn đề đầu ra cho nông sản hàng hóa cũng đã được Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đặt lên bàn nghị sự trong Hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản” do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 4-5-2015. Tại hội nghị này, nhiều nguyên nhân làm cho nông sản tiêu thụ khó khăn được đưa ra phân tích,“mổ xẻ” và nhiều biện pháp “giải cứu” nông sản cũng đã được các bộ, ngành đề ra.

Cùng với đó là việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà trong đó Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đề ra những biện pháp cụ thể, qua đó khắc phục được những hạn chế, yếu kém của ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng như hoạt động tiêu thụ nông sản.

Các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn để phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp; thiết lập và xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất - chế biến - thị trường...

Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, với sản lượng trái cây hàng năm lên đến hàng trăm ngàn tấn. Do đó, để tránh tình trạng “giải cứu” nông sản, hay ít nhất giảm bớt thiệt hại cho nông dân cũng như cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng nông sản như: Các giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; các giải pháp về thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội thị trường...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.