Thứ Tư, 10/06/2015, 12:06 (GMT+7)
.

Khắc phục triệt để "bệnh thành tích" trong các báo cáo chính trị

Báo cáo chính trị được trình bày tại đại hội đảng các cấp là kết quả đánh giá của cả nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết. Nó cho thấy rõ sự phát triển hay chậm phát triển của một địa phương, đơn vị và cũng là căn cứ, cơ sở để đề ra mục tiêu, kế hoạch và giải pháp phấn đấu cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Những số liệu thống kê chính xác là công cụ để phục vụ trực tiếp việc hoạch định, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, của đất nước. Do đó, nguyên tắc và cũng là yêu cầu cơ bản đặt ra là phải bảo đảm tính khách quan, trung thực và độc lập khi công bố.

 Báo cáo chính trị trình Đại hội cần đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện của nhiệm kỳ  để các đại biểu thảo luận và đưa ra các quyết định chính xác cho nhiệm kỳ tiếp theo.  Ảnh minh họa: HH
Báo cáo chính trị trình Đại hội cần đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện của nhiệm kỳ để các đại biểu thảo luận và đưa ra các quyết định chính xác cho nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh minh họa: HH

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng báo cáo thành tích với những con “số đẹp” vẫn còn tồn tại. Đại hội đảng các cấp đang diễn ra, qua nghiên cứu một số báo cáo chính trị tại các đơn vị, địa phương cho thấy:

Có những nơi báo cáo năm sau cao hơn năm trước và đưa ra những số liệu cụ thể, nhưng thực chất, tính ra 1 đồng của năm trước có giá trị hơn 1 đồng những năm sau vì đồng tiền trượt giá, cho nên, thực chất là vẫn lỗ.

Có những đơn vị đưa ra số liệu rất “đẹp”, thể hiện rõ những số liệu phát triển hoành tráng, nhưng chỉ 2 năm trước đó, trong buổi sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã phải thảo luận để điều chỉnh các chỉ tiêu theo chiều hướng giảm so với nghị quyết đầu nhiệm kỳ đã thông qua. Bởi 2 năm rưỡi trước đó, đơn vị này đều thua lỗ và không đạt kế hoạch như nghị quyết đề ra. Như vậy, cộng lại cả nhiệm kỳ là vẫn tăng trưởng âm.

Lại có những báo cáo chính trị thể hiện mình là “nhất”, trong khi đó, đọc 3-4 báo cáo cùng hệ thống ngành, nghề kinh doanh ai cũng nhận mình là “nhất”. Đã có câu chuyện, vị tư lệnh ngành nọ, sau khi giao chỉ tiêu cho 1 đơn vị và yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên chức lao động phải phấn đấu vươn lên vị trí hàng đầu và không quên nhấn mạnh “hàng đầu tính theo hàng dọc chứ không phải dàn hàng ngang” để tránh tình trạng báo cáo “nhất” như trên.

Thực tế cho thấy, số liệu thống kê GDP hằng năm cũng đã có nhiều kết quả khác nhau giữa Trung ương và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có số liệu cho biết, thời gian qua có hiện tượng các bộ, ngành và cơ quan thống kê trung ương cùng công bố về một chỉ tiêu theo 2 loại số liệu thống kê khác nhau, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước công bố.

Ví dụ điển hình là báo cáo nợ công năm 2012 theo Bộ Tài chính là khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, báo cáo của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ ra nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP.

Hay trong khi ngành nội vụ báo cáo với các đại biểu Quốc hội chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhiều ý kiến khác cho rằng tỉ lệ cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” phải lên đến trên dưới 30%.

Nếu những số liệu, những báo cáo đó không chính xác, không phù hợp với đời sống thực tế thì rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng chính sách, và cuối cùng không giải quyết được những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn.

Nếu báo cáo chính trị được thể hiện bởi những con “số đẹp” thì đảng viên thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết đại hội sẽ tạo nên những “giá trị ảo” trong cả nhiệm kỳ tiếp theo. Và như thế, không đánh giá được đúng tiềm năng, thực tế của địa phương, đơn vị thì không thể xác định đúng hướng cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.

Một địa phương miền núi với hầu hết dân số làm nông nghiệp trong điều kiện thiên nhiên còn nhiều khó khăn lại báo cáo GDP phát triển ở mức 2 con số; hay một doanh nghiệp trước đó được khoanh nợ, đến cuối nhiệm kỳ báo cáo có lãi thì chắc chắn, gánh nặng, áp lực về điều hành sẽ trút lên vai những người kế nhiệm.

Những số liệu đẹp có thể giúp ai đó đạt được thành tích nhất thời nhưng sẽ làm méo mó chính sách, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các số liệu thống kê do cơ quan chức năng đưa ra.

Do vậy, xóa bỏ “bệnh” xây dựng số liệu thống kê để thể hiện thành tích; bảo đảm sự thống nhất giữa các số liệu thống kê quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành kinh tế - xã hội và bảo đảm quản lý nhà nước toàn diện đối với hoạt động thống kê và quyền tự do kinh doanh của công dân.

Hiện chúng ta mới chỉ đang tổ chức đại hội đến cấp huyện, nếu không khắc phục triệt để “bệnh thành tích” trong các báo cáo chính trị thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các tỉnh, thành, các bộ, ngành. Và nếu, cứ cộng “các số đẹp” lại với nhau để tổng hợp lên Trung ương thì gánh nặng sẽ dồn lên với những đại biểu dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.