Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:11 (GMT+7)
.

Không chỉ lo cho hạt gạo

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu xuất khẩu (XK) các mặt hàng trong 6 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh là gạo giảm đến 30% về lượng và 35% về trị giá, chỉ mang về 33,4 triệu USD. Đây không phải là điểm cá biệt của Tiền Giang mà là tình hình chung của cả nước. Bởi, theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến giữa tháng 6, cả nước mới chỉ XK được 2,1 triệu tấn gạo, giảm 29,6% so với 6 tháng đầu năm 2014.

Cùng với đó, giá xuất trung bình cũng chỉ đạt 421 USD/tấn (FOB), giảm 2,3%. Đây thực sự không còn là câu chuyện không mới, bởi liên tục trong những năm gần đây, XK gạo phải đối mặt với rất nhiều áp lực cả trong nước và thị trường thế giới. Nhưng thông tin về XK gạo giảm mạnh vẫn được nhiều người chú ý bởi nó gắn liền với đời sống của người nông dân.

Xuất khẩu gạo giảm đến 30% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Xuất khẩu gạo giảm đến 30% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Thực tế này được đưa ra bởi rất nhiều nguyên nhân, trong nước có, thị trường nước ngoài cũng có. Nào là cạnh tranh với cường quốc XK như Thái Lan; gạo Việt Nam đang mất dần thị trường châu Phi do áp lực cạnh tranh về giá hoặc câu chuyện về XK theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc cứ “trồi sụt” hay chất lượng gạo của Việt Nam phần lớn đang ở mức trung bình nên khó cạnh tranh…

Nhiều câu chuyện đang diễn ra tại chính các doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rằng, khó khăn của XK gạo Việt Nam không chỉ là do thị trường cung vượt cầu, mà còn do chính các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn.

Dù bất cứ lý do gì, việc XK gạo gặp khó khăn, doanh nghiệp tồn kho lớn đã tác động ngay vào đời sống của người nông dân và hơn hết là tác động vào nền sản xuất nông nghiệp. Mà cụ thể, dễ nhận thấy nhất là chủ trương xây dựng cánh đồng lớn rất khó được nhân rộng, nhất là trong vụ hè thu năm nay, phần lớn là do doanh nghiệp khó tìm đầu ra.

Thế nhưng, XK gạo cũng chỉ là một “lát cắt” của nền nông nghiệp. Bởi điều đáng bàn nhất là giá trị XK của hầu hết các mặt hàng nông -lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2015 cũng gặp rất nhiều khó khăn và có xu hướng giảm sâu.

Không chỉ có gạo, thủy sản cũng đang đối mặt với khó khăn về tỷ giá, đồng Euro mất giá, ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu nhập khẩu của thị trường, dẫn đến giá XK cá tra cũng giảm theo. Trong khi đó, được mệnh danh là “vương quốc” trái cây nhưng xuất khẩu rau, quả những tháng đầu năm gần như không đáng kể trong tổng kim ngạch XK của tỉnh…

Điều này tất nhiên sẽ tác động ngược vào thị trường trong nước. Việc hành tím, dưa hấu, dừa, thanh long, mới đây nhất là chuối… liên tục giảm giá và tồn đọng với số lượng lớn đã phần nào phản ánh được những gì mà ngành Nông nghiệp đã và đang phải đối mặt. Có lẽ thông tin lạc quan nhất của ngành Nông nghiệp gần đây nhất là trái vải được xuất sang một số thị trường tiêu thụ khó tính.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là những tín hiệu ban đầu và còn một thời gian dài để kiểm nghiệm. Bởi ngành Nông nghiệp đã từng có những thông tin lạc quan như thế, như nhãn tiêu Huế vào thị trường châu Âu; chôm chôm, thanh long vào thị trường Mỹ hay xoài vào thị trường Nga… Nhưng dường như kết quả đạt được cũng chưa được như mong đợi.

Ở khía cạnh khác, thời gian vừa qua hàng loạt các hiệp định kinh tế, mà gần đây nhất là Hiệp định với các nước châu Âu đã được ký kết ít nhiều cũng liên quan đến ngành Nông nghiệp của Việt Nam nói chung, của từng địa phương nói riêng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc... Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán 6 FTA mới, gồm:

Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam với 4 nền kinh tế tự do châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCU), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP.

Công bằng mà nói, đây là những tín hiệu đáng mừng, vì trên bình diện chung ngành Nông nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều lối mở hơn, nhất là về thị trường tiêu thụ. Nhưng ở bất kỳ thỏa thuận kinh tế nào, Việt Nam ít nhiều cũng phải chịu những tác động ngược. Mà chính ngành Nông nghiệp được dự báo là chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Chẳng hạn như Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ làn sóng TPP đó chính là ngành Nông nghiệp, bởi vì bên cạnh mặt thuận lợi, việc cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.

Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với những ngành hàng mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu, điển hình là nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập là nông dân.

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã nêu mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia cả trước mắt và lâu dài”.

Tiếp theo đó, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây có lẽ là bước đi căn cơ và kịp thời đối với ngành Nông nghiệp. Bởi trước bối cảnh kinh tế luôn biến động bao gồm cả cơ hội, thách thức đan xen cả trong nước và hội nhập quốc tế.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải tiếp tục đổi mới căn bản và đồng bộ về chiến lược, thể chế và tổ chức trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhưng tiếc rằng, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp dường như còn diễn ra chậm chạp, chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

THẾ ANH

.
.
.