Nghiên cứu về Biển Đông: Việt Nam có ưu thế nhưng cần sự đầu tư
Ngày 30-7 tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo (HCMCOIS) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Tranh chấp Biển Đông - Vấn đề tư liệu và quan điểm chính thống”.
Cần đầu tư cho công tác nghiên cứu
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, so sánh việc truyền bá tài liệu cũng như hệ thống các cơ sở, viện, trường ĐH nghiên cứu về Biển Đông hiện nay thì Trung Quốc có quy mô lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng vừa trở về từ Hoa Kỳ trong chuyến nghiên cứu đề tài “Tư liệu về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang lưu trữ ở Mỹ” cho biết, đến liên hệ tìm hiểu tư liệu tại thư viện ĐH Harvard, ông thấy rằng quy mô khu tài liệu sách tiếng Việt rất khiêm tốn so với quy mô tài liệu sách bằng Hoa ngữ của Trung Quốc.
Nhân viên của thư viện cho biết, trước đây diện tích các khu tài liệu của Trung Quốc và Việt Nam ngang nhau, nhưng sau này do các tài liệu tiếng Việt không có thêm công trình mới được xuất bản trong khi Trung Quốc đã tăng lượng xuất bản, thậm chí tặng nhiều ấn phẩm cho thư viện, do đó trường đã mở rộng khu tài liệu Trung Quốc.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã từng nhiều lần sang thỉnh giảng tại các trường ĐH tại Hoa Kỳ cũng chia sẻ: Vấn đề là chúng ta vẫn yếu trong việc kết nối giới khoa học trong nước và quốc tế để thực sự tập hợp được đội ngũ này trong việc đấu tranh về mặt pháp lý, cứ liệu lịch sử khoa học với các quốc gia đang có tranh chấp với chúng ta.
Theo TS. Nguyễn Nhã, hiện nay giới học giả, các nhà nghiên cứu là người Trung Quốc rất đông đảo và họ có cả những viện nghiên cứu chuyên biệt về Biển Đông, đồng thời số lượng xuất bản phẩm gấp nhiều lần so với Việt Nam. Chuyên gia này đề xuất Đảng và Nhà nước, bên cạnh công tác truyền thông, cần hỗ trợ cho công tác sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử, pháp lý biển đảo.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Đăng Hưng, trí thức kiều bào từ Bỉ cũng chia sẻ về thực tế chưa có một đầu mối thống nhất để sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã có các giảng viên giảng dạy ở khắp các trường ĐH trên thế giới để tuyên truyền tài liệu của họ về Biển Đông.
Việt Nam có ưu thế tuyệt đối về lịch sử, pháp lý
TS. Nguyễn Nhã cho rằng, tài liệu của Trung Quốc rất yếu tính pháp lý quốc tế nên họ chủ động tìm cách tuyên truyền mạnh bằng cách đầu tư tài chính cho công tác nghiên cứu.
Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, kể từ khi bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào năm 1909 thì chính quyền và học giả Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm những tư liệu thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc có liên quan đến địa lí và lịch sử các quần đảo, mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Tuy nhiên, cả thư tịch cổ và bản đồ cổ mà họ trích cứu từ thời Tần-Hán cho đến thời Minh-Thanh, dài 2.000 năm, đều phản ánh một sự thật là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc như họ đã tuyên bố trong mấy chục năm qua.
Đáng chú ý, những bản đồ từ thời Tần - Hán đến thời Trung Hoa Dân quốc đều xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không hề xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Nhã, hiện nay có ít nhất 13 quốc gia có nghiên cứu cũng như lưu giữ tài liệu thư tịch, bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
(Theo chinhphu.vn)